Vị khách người Mỹ thừa nhận mình là khách quen của quán bún cá có tuổi đời hơn 20 năm tuổi ở Hà Nội, nơi bán món chả cá xương giòn rụm và cá cuốn thịt không nơi nào có.
"Một quán bún cá nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phố cổ Hà Nội đã phục vụ khách suốt hơn 20 năm qua, còn tôi là khách trung thành cũng được chục năm", anh Joshua Zukas, một du khách người Mỹ giới thiệu.
Với những người ở Hà Nội mê món bún cá, chắc hẳn không mấy người chưa từng nghe thấy quán có cái tên đặc biệt: bún cá Sâm cây si. Quán không quá khó tìm, nằm ở giữa ngõ Trung Yên, chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chừng 10 phút đi bộ.
Để tránh cảnh xếp hàng chờ, Joshua quyết định đi sớm hơn thường lệ. Anh gọi bát bún cá kèm thêm phần chả cá chiên giòn ít nơi nào có.
Quán bún cá bà Sâm bên dưới gốc cây si (Ảnh: Joshua Zukas).
Đặc sản của quán là món cá cuốn thịt độc đáo. Trong đó, mỗi viên cá nhìn như chiếc bánh rán mặn với phần vỏ giòn rụm phủ lớp bột chiên xù mỏng. Lớp vỏ ngoài là thịt cá còn phần nhân có thịt băm xào cùng mộc nhĩ.
Vị khách người Mỹ bị thu hút bởi bát bún cá có nước dùng đậm đà, cá chiên giòn ăn cùng một số loại rau. Bên cạnh đó, điều khiến Joshua ấn tượng còn bởi vị trí của quán mang đậm văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
"Tôi yêu quán bún này không chỉ đồ ăn ngon mà còn vì sự bí ẩn bao trùm khắp con ngõ. Căn bếp ven đường nằm cạnh một ngôi miếu được người dân xung quanh thờ cúng trái cây, hương và hoa tươi. Mỗi lần tới đây tôi đều hỏi về cây si cổ và ngôi đền có từ bao giờ, nhưng không ai biết chính xác câu trả lời", anh nói.
Vị khách Mỹ tự nhận mình trở thành khách ruột của quán suốt chục năm qua (Ảnh: Joshua Zukas).
Theo tìm hiểu, món bún cá gắn liền với tên của bà chủ và địa điểm mở quán. Chủ quán bún là bà Lê Thị Sâm, bán dưới gốc cây si.
Hơn 20 năm trước khi chợ Hàng Bè còn hoạt động, bà Sâm thường gánh hàng ra chợ ngồi bán dưới gốc cây si. Sau khi chợ giải thể, bà tận dụng luôn khoảng sân nhỏ trước cửa nhà mở quán bún.
Đến nay ở tuổi gần 70, bà Sâm tuy vẫn đứng quán bán hàng nhưng dần truyền nghề cho con cháu hỗ trợ. Hiện quán nằm giữa miếu cổ và ngôi đình.
Quán mở từ 7h tới 17h nhưng thường đông khách nhất vào giờ trưa từ 11h tới 13h. Đây cũng là thời điểm nhiều dân văn phòng tới dùng bữa.
Chị Sáu, con dâu bà Sâm cho biết, "linh hồn" của bán bún là những miếng chả cá được nặn tròn. Loại chả này được làm theo kiểu của nhà hàng.
Ngoài bún nước quán còn phục vụ bún trộn với giá 50.000 đồng/bát (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước kia, nếu làm cầu kỳ, những viên chả cá giòn rụm được đặt lên trên phần xương cá rồi rưới thêm nước sốt. Nhưng nay quán làm theo kiểu bình dân hơn. Vẫn là những miếng chả cá với giá 15.000 đồng/chiếc, khách muốn ăn thêm sẽ chấm cùng nước mắm chua ngọt.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Sáu cho biết khá bất ngờ khi biết vị khách người Mỹ, anh Joshua yêu thích món ăn tại quán như vậy.
"Thời điểm trước Covid-19, lượng khách nước ngoài tới quán đông hơn bây giờ. Hiện mỗi ngày chúng tôi chỉ đón khoảng 20 khách ngoại quốc còn dịp cuối tuần đông hơn một chút. Tôi rất vui khi biết món bún đơn giản của người Việt được khách nước ngoài đón nhận", chủ quán cho biết.
Giữa bối cảnh ảnh hưởng của tình hình kinh tế và thực khách hiện nay có nhiều sự lựa chọn khác nhau, chị Sáu cho biết lượng khách tới quán không đông như trước.
Hiện mỗi ngày quán bán từ 40-50kg bún. Tùy theo lựa chọn của khách muốn ăn bún nước hay bún trộn, mỗi bát có giá từ 45.000 đồng - 50.000 đồng. Ngoài ra, quán còn bán thêm cả chả cá.
Theo dantri.com.vn - 18/03/2024
https://dantri.com.vn/du-lich/quan-bun-20-nam-tuoi-ha-noi-ngon-the-nao-khien-khach-my-tu-nhan-khach-ruot-20240317224703942.htm