Ngày 4/11/2013, Nghị quyết số 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" ra đời đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước ta. Với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, bằng nhiều biện pháp hữu hiệu và quyết liệt, đến nay sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Vĩnh Phúc đã đạt được những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân.
Ngay sau khi Nghị quyết số 29 được ban hành, Vĩnh Phúc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai thực hiện nghị quyết đồng bộ, hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Tỉnh uỷ đã xây dựng Chương hình hành động số 66 năm 2014 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu với tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách để cụ thể hoá các nội dung trong Nghị quyết 29 thuộc thẩm quyền của địa phương.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nên công tác chuẩn bị các điều kiện và từng bước thực hiện đổi mới giáo dục ở Vĩnh Phúc gặp nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục được quy hoạch, tổ chức sắp xếp cơ bản hoàn chỉnh, linh hoạt. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở giáo dục, trường học từ bậc mầm non đến THPT, GDTX với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới để thực hiện phương châm thực học, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh trong dạy và học nhằm phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới hoạt động dạy và học phù hợp với từng đối tượng; chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phát huy tính tự giác, năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các câu lạc bộ, mô hình giáo dục STEM.
Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh cũng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học; chú trọng đánh giá quá trình, sản phẩm người học.Xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, bình đẳng, môi trường giáo dục lành mạnh văn minh, thân thiện, xây dựng trường học hạnh phúc.
Hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo”,Vĩnh Phúc đã xây dựng được một nền giáo dục mở, có đầy đủ các bậc học từ mầm non đến đại học, liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học và đề cao học tập suốt đời, sau phổ cập THCS, học sinh có nhiều cơ hội tham gia học tập. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục đạt kết quả cao và nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Nổi bật tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Vĩnh Phúc đứng thứ 1 toàn quốc về điểm bình quân các môn thi. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước với 79/92 học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn HSG quốc gia, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải, đứng thứ 3 về số lượng và thứ 5 về chất lượng giải. 5 năm liền Vĩnh Phúc đều có học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế.
Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 sẽ là nền tảng để Vĩnh Phúc vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đạt danh hiệu tỉnh học tập, tham gia vào mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; giáo dục Vĩnh Phúc đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.
Thu Hoài