Một trong những thách thức để phát triển công nghiệp văn hóa đã nhận diện được, đó chính là cần thay đổi nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến người sáng tạo và người hưởng thụ, thưởng thức văn hóa.
Theo các chuyên gia văn hoá, ngành công nghiệp văn hoá được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới.
“Chuyển biến về nhận thức” để phát triển công nghiệp văn hóa trong toàn xã hội vẫn còn hạn chế. Đây là căn nguyên lý giải vì sao so với các mục tiêu khác của chiến lược phát triển văn hóa, mục tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa chưa đạt được những kết quả nổi bật trong những năm qua.
Một số doanh nghiệp còn ngần ngại trong đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, dù đã có những điều kiện thuận lợi cả về môi trường đầu tư và cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương. Tư duy cũ cho rằng văn hóa là lĩnh vực tiêu tiền, đầu tư nhiều mà lợi nhuận thu về ít vẫn tồn tại...
Công nghiệp văn hóa giữ vị trí hàng đầu trong lộ trình phát triển của các quốc gia hiện nay
Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương còn chưa đồng đều. Một số địa phương vẫn chậm trong triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, do nhận thức còn hạn chế nên thiếu đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng quan trọng nhất là phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong nhận thức. "Khó khăn bao giờ cũng đến từ nhận thức, vậy nên khi mà chúng ta tháo gỡ được những khó khăn về nhận thức thì sẽ tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu nghệ sĩ, nhưng cái chúng ta thiếu là môi trường, thể chế cho các tài năng sáng tạo bùng nổ. Nếu chúng ta không tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, ở đó điện ảnh hỗ trợ cho du lịch, văn hóa, hỗ trợ cho thời trang, hỗ trợ cho các lĩnh vực khác nhau thì rất khó để phát triển".
Điều cuối cùng cần nhấn mạnh trong câu chuyện thay đổi nhận thức để phát triển công nghiệp văn hóa chính là ý thức của người dân với vai trò đối tượng hưởng thụ văn hóa. Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, người dân có điều kiện để tiếp cận nhiều sản phẩm văn hóa đến từ các quốc gia nhưng cần lắm một tinh thần tự tôn văn hóa dân tộc, ủng hộ các sản phẩm văn hóa nội địa...
Theo Diệu Linh/VOV2 - 07/04/2024
https://vov.vn/van-hoa/thay-doi-nhan-thuc-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-post1087356.vov