“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung); “Phi trí tắc vong” (Lê Quý Đôn); “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” (Chủ tịch Hồ Chí Minh); “Văn hóa còn thì dân tộc còn” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Xuyên suốt quan điểm: “Trí thức Việt Nam là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững”, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận quan trọng.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết số 45 -NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã phổ biến, quán triệt, triển khai đến toàn Đảng bộ, đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đồng thời, ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động cụ thể.
Tiêu biểu là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20/11/2019 về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút trọng dụng người có tài năng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 65 ngày 20/02/2024 về thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền tỉnh, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc đã phát triển về mọi mặt, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có hơn 28.200 (28.244) cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có 109 người trình độ chuyên môn tiến sĩ, hơn 3.000 (3.034) thạc sĩ và gần 17.900 (17.891) người trình độ Đại học. 90% công chức có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
Đây là một lực lượng lớn trong đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh. Nhiều trí thức là lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc đã tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp đối với nhiều chủ trương, chính sách, vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Riêng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hơn 80 nhiệm vụ tư vấn, phản biện do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng như: Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030… Hầu hết các ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đều được các cơ quan liên quan ghi nhận, đánh giá cao, nghiêm túc tiếp thu.
Trên lĩnh vực kinh tế, đội ngũ trí thức là bộ phận cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các lĩnh vực khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của các ngành kinh tế, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Không ít công trình nghiên cứu của đội ngũ trí thức Vĩnh Phúc tham gia Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam đã đoạt giải, được công bố trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam. Nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp Trung ương đã và đang được triển khai, có tác động tích cực trong đời sống. Tiêu biểu như Dự án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý bụi gỗ, bụi sơn tại các làng nghề mộc trên địa bàn tỉnh” triển khai thực hiện với qui mô tại 12 làng nghề trên địa bàn 3 huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, góp phần khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, từ dự án, người làm nghề mộc đã cải tiến, sáng tạo các mô hình xử lí bụi gỗ, bụi sơn ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn.
Đi trước, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ xanh, bảo vệ môi trường, đội ngũ trí thức tỉnh đã có những công trình nghiên cứu thiết thực, như : công trình “Nghiên cứu thiết kế mô hình xử lí nước thải bằng phương pháp công nghệ xanh” của nhóm tác giả thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc. Với những tham vấn, phản biện, công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, đội ngũ trí thức Vĩnh Phúc đã đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh.
Công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển theo chiều sâu, ưu tiên công nghệ bảo vệ môi trường. Nông nghiệp đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các tiến bộ kĩ thuật, cơ giới hóa được đưa vào sản xuất. Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục tạo cơ hội phát triển cho sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của từng địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 140 sản phẩm OCOP.
Quá trình chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả, dần hoàn thiện chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Công tác lập, quản lí qui hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ, hiện đại, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Tỉnh tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quí I/2024, toàn tỉnh thu hút đầu tư đạt hơn 347 triệu USD vốn đầu tư FDI, hơn 2.000 tỉ đồng vốn DDI. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Vĩnh Phúc đều trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.
Năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 31.200 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 26.000 tỉ đồng, nằm trong TOP 8 địa phương có thu nội địa cao nhất cả nước.
Đội ngũ trí thức là lực lượng cơ bản trong thực hiện giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội về trình độ chuyên môn, kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp. Những năm qua, chất lượng giáo dục – đào tạo Vĩnh Phúc đứng trong TOP đầu cả nước. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đội ngũ trí thức Vĩnh Phúc làm chủ và chuyển giao nhiều kĩ thuật mới, hiện đại, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ kĩ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh.
Trên lĩnh vực văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ là lực lượng có vai trò chủ đạo trong việc sáng tạo các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật đã tạo nên những dấu ấn nhất định trong sự phát triển văn học nghệ thuật, góp phần làm cho văn hóa Vĩnh Phúc ngày càng phong phú và tiến bộ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Các trại sáng tác tập trung, tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên ngành…, đã tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp, đề tài, nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Giai đoạn từ năm 2020-2022, tỉnh đã thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng theo lộ trình, hằng năm đặt hàng khoảng từ 04 - 06 tác phẩm, công trình thuộc các thể loại: tiểu thuyết, trường ca, kí sự, lí luận phê bình văn học, tập truyện… và đã được đội ngũ văn nghệ sĩ thực hiện với nhiều tác phẩm được đánh giá đạt chất lượng cao. Có thể khẳng định, trên tất cả các lĩnh vực: điện ảnh, mĩ thuật, nghiên cứu lí luận, phê bình văn học - nghệ thuật..., đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đạt nhiều kết quả nổi bật. 5 năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Vĩnh Phúc đã tổ chức hơn 1.000 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân khu vực nông thôn, miền núi, công nhân tại các khu công nghiệp và biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của tỉnh. Các buổi biểu diễn đã lồng ghép phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; giới thiệu, quảng bá những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến của vùng đất và con người Vĩnh Phúc; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Nhiều chương trình, vở diễn mới, chất lượng, tính nghệ thuật cao đã được dàn dựng công phu, đoạt giải cao, Huy chương vàng, Huy chương bạc trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn toàn quốc. Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã có 8 nghệ sĩ được phong tặng là Nghệ sĩ ưu tú và nằm trong TOP 10 Nhà hát Nghệ thuật tiêu biểu của cả nước.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng, các câu lạc bộ cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương được truyền dạy, phát triển mạnh mẽ hơn, như: ca trù, trống quân Đức Bác, tuồng cổ Hoàng Đan, soọng cô của đồng bào Sán Dìu...
Hoạt động hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng đã khơi dậy mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng, hình thành một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc công và diễn viên không chuyên hoạt động sôi nổi, phục vụ có hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Cùng với đội ngũ trí thức cả nước, trí thức, văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc đang từng bước đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa, để văn hóa không chỉ phát huy giá trị tinh thần, mà còn trở thành một nguồn lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Có thể khẳng định, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã có hiệu quả, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được cống hiến, phát triển. Tuy nhiên, xây dựng đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài, phát triển văn học - nghệ thuật vẫn còn những hạn chế, khó khăn, rất cần được tháo gỡ, đặc biệt là về mặt cơ chế, chính sách phù hợp.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 và nhìn đến năm 2045, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh phát triển lớn mạnh, toàn diện, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lí; có đội ngũ chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, có những chuyên gia đầu ngành mang tầm quốc gia, khu vực và là động lực quan trọng trong sự phát triển toàn diện của tỉnh trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những giải pháp mang tính căn cơ, đột phá, đồng bộ của tỉnh sẽ tạo động lực thu hút người hiền tài cống hiến, đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.
Tuyết Minh