Gần 5 năm qua, với chủ trương đưa công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng công an chính quy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai thực hiện các mặt công tác, đổi mới phương pháp làm việc theo phương châm “gần dân, hiểu dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”, nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng Nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự. Đồng thời, triệt phá nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng Nhân dân.
Thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên có trên 18 nghìn nhân khẩu, trong đó có đến hơn 4 nghìn người là dân số cơ học. Là địa bàn tập trung 3 khu công nghiệp nên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tệ nạn ma túy.
Từ khi lực lượng công an chính quy về địa phương, nhanh chóng triển khai bám cơ sở, bám dân, tổ chức trực ban 24/24 tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, nhất là vào ban đêm tại các khu vực trọng điểm. Trong đó, công tác quản lý các đối tượng tại cơ sở được đẩy mạnh và thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn. Trung bình mỗi năm, công an thị trấn đã tiếp nhận, giải quyết gần 30 vụ, việc liên quan đến trật tự xã hội.
Không chỉ áp dụng biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm hình sự, các hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ Công an chính quy đã “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để nắm tình hình, lập kế hoạch rà soát đối tượng, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Từ đó, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều kế hoạch, chương trình trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong đó, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân. Qua đó đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị để lực lượng Công an thị trấn làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.
Từ khi lực lượng công an chính quy về xã, với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo bài bản, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn nông thôn thực sự có chiều sâu, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù, điều kiện của từng địa phương.
Điển hình như mô hình "Xã điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" của Công an xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường. Từng là một xã thuần nông, tiếp giáp với Thành phố Hà Nội, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội tiềm ẩn nhiều phức tạp. Từ khi triển khai xây dựng mô hình, xã Tam Phúc đã duy trì hoạt động có hiệu quả 13 mô hình phòng chống tội phạm, huy động sự tham gia tích cực của 42 tổ liên gia tự quản ở khắp các thôn, xóm. Các mô hình đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa xã hội, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội.
Đến nay, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các vùng nông thôn đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Người dân trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, từ đó góp phần xây dựng thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Với người dân xã Đạo Trù, hình ảnh những "người cha đặc biệt" trong ngôi nhà mang tên Công an xã không còn xa lạ tại vùng đất còn nhiều khó khăn của huyện Tam Đảo này. Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều đứa trẻ ở đây không được sống trong vòng tay đầy đủ yêu thương của cha mẹ. Nhiều em đã sa vào con đường chơi bời, học hành dang dở. May mắn thay, những đứa trẻ thiếu may mắn ấy đã được các chú công an xã Đạo Trù nhận làm con nuôi. Hằng ngày, các em được các chú chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, chỉ bảo học hành. Từ những cậu bé tự ti, ham chơi, sống thiếu trách nhiệm, giờ đây, các em đã trở thành những đứa trẻ ngoan, có ý thức hơn trong học tập và sinh hoạt hằng ngày. Dù công việc ở cơ sở bộn bề, điều kiện sống, sinh hoạt và công tác còn nhiều khó khăn. Và dù việc nhận nuôi những đứa con đặc biệt ấy không phải là nhiệm vụ được giao, nhưng thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy, các chiến sỹ công an xã Đạo Trù vẫn làm với tất cả sự nhiệt tình, trách nhiệm, xuất phát từ trái tim của những chiến sĩ Công an nhân dân với mong muốn mang lại bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Sau gần 5 năm thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về cấp xã, đến nay, đã có trên 600 cán bộ công an được bố trí nhận nhiệm vụ tại 120 xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, trình độ đào tạo đại học và trên đại học đạt trên 67%, 100% các xã, thị trấn đều có điều tra viên. Từ khi lực lượng công an chính quy về xã đã tạo ra làn gió mới trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, cùng với việc đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, hậu cần, kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đồng bộ, phù hợp, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã dồn lực triển khai nhiều biện pháp, giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy, công tác nghiệp vụ, từng bước xây dựng lực lượng Công an xã trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong thời gian tới, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng phương án bổ sung cán bộ, tăng số lượng công an chính quy về xã, đồng thời chỉ đạo Công an cấp huyện quan tâm đến việc tạo nguồn, bố trí cán bộ công an xã.
Vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, lực lượng công an xã đã bám cơ sở, gần dân, sát dân nắm chắc tư tưởng, tình cảm của Nhân dân, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những nguyện vọng, tâm tư, nguy cơ nảy sinh ngay từ cơ sở; phát huy sức mạnh Nhân dân trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Lực lượng công an xã đã góp phần tạo thêm niềm tin yêu, hình ảnh đẹp trong lòng người dân, tô thắm thêm hình ảnh người công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tất cả vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân”.
Kim Liên