Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo... trên Internet trở nên phổ biến với hầu hết các bạn trẻ. Lượng thông tin mà họ tiếp nhận trên mạng xã hội hàng ngày rất lớn, trong đó có những tin tốt, tin xấu, tin tiêu cực thậm chí là tin giả mạo. Trước làn sóng đó, việc ứng xử văn minh trên mạng xã hội mang đến nhiều luồng thông tin tích cực, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng, giúp các em học sinh sống đẹp, sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng là việc làm cần thiết, đặc biệt là hiện nay, các hành vi lệch chuẩn đang diễn ra ngày một nghiêm trọng trên không gian mạng. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy khó lường trong trật tự xã hội. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho học sinh là việc vô cùng quan trọng.
Về mặt tích cực, không gian mạng là phương tiện, công cụ giúp cho học sinh làm giàu tri thức, phát triển tư duy. Hiện nay, các nhà trường trên địa bàn tỉnh thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và quản lý việc khai thác không gian mạng bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm định hướng học sinh khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực từ không gian mạng. Nhờ vậy, phần lớn học sinh nhận thức đúng đắn về tác động của không gian mạng đến lối sống của bản thân; chủ động, khai thác và sử dụng không gian mạng để phục vụ những nhu cầu chính đáng như tìm kiếm tri thức
Theo khảo sát, hiện nay có gần 90% các em học sinh bậc THPT trên địa bàn tỉnh đã được phụ huynh trang bị điện thoại thông minh cùng nhiều trang thiết bị công nghệ khác như laptop, máy tính, các phần mềm chuyên dụng phục vụ học tập. Nhiều tiết học, được sự cho phép của giáo viên, các học sinh đã sử dụng hiệu quả các thiết bị thông minh để phục vụ học tập và nghiên cứu tài liệu, bài giảng.
Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục được Trường THPT Đồng Đậu, huyện Yên Lạc ứng dụng và triển khai đồng bộ đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động dạy và học.
Các hoạt động nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của học sinh trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Hãy là những người dùng mạng xã hội có trách nhiệm, lan tỏa những giá trị tích cực đến mọi người xung quanh.
Đặng Thưởng