Mặc dù mới chớm hè nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát cho gia đình và xã hội, nhất là vùng nông thôn, những nơi gần sông, suối, ao hồ. Những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn luôn chực chờ, khiến những nỗi đau này chưa bao giờ có hồi kết.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, tính từ năm 2020 - 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ đuối nước thương tâm, khiến 44 nạn nhân ra đi mãi mãi. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 6 người tử vong. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo về tai nạn đuối nước nhưng con số đau lòng này dường như không dừng lại mỗi dịp hè về. Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi. Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình. Để bảo vệ an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tối đa tình trạng tử vong do tai nạn đuối nước, nhất là trong dịp hè, rất cần những biện pháp hữu hiệu của các cấp, ngành, địa phương và mỗi gia đình trong công tác phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước xảy ra.
Kim Liên