Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp. Vì vậy các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường quản lý về công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn.
Công ty Cổ phần Xuân Mai Đạo Tú, huyện Tam Dương là doanh nghiệp chuyên sản xuất các cấu kiện bê tông, với 130 người lao động đang làm việc trực tiếp trong môi trường thường xuyên sử dụng máy móc, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Vì vậy, tất cả các công đoạn sản xuất từ khâu thiết kế đến giai đoạn thành phẩm, các quy định về an toàn vệ sinh lao động luôn được công ty đặc biệt quan tâm.
Hằng năm, Công ty đã triển khai nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền về An toàn vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vấn đề an toàn và hạn chế tối đa tai nạn lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ cho người lao động; khám sức khỏe định kỳ; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn phòng, chống cháy nổ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Toàn tỉnh hiện có hơn 256.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng gần 132.000 lao động. Tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội tại 25 doanh nghiệp.
Qua công tác thanh, kiểm tra định kỳ cho thấy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách phòng ngừa, khắc phục rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như kiểm định máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp và người lao động coi nhẹ công tác an toàn vệ sinh lao động như: không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, chưa thực hiện nghiêm các quy trình và biện pháp làm việc an toàn, gây mất an toàn lao động hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 19 kết luận, đưa ra 97 kiến nghị yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động; ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 1 doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới. Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng; tăng số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là khu vực không có quan hệ lao động làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh lao động như: cơ khí, dệt may, da giầy, xây dựng.
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động.
Lưu Trường