Những năm qua, mặc dù Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với công tác đào tạo nghề, và theo khảo sát có khoảng 80% học sinh, sinh viên học nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, thu nhập ổn định. Tuy nhiện, hiện nay công tác tuyển sinh của hầu hết các trường dạy nghề vẫn gặp khó, thực trạng này cũng kéo theo những áp lực không nhỏ trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề của nhiều doanh nghiệp.
Đã từng đắn đo giữa học nghề hay học đại học, nhưng sau khi được cán bộ tại Trung tâm tuyển sinh và Tư vấn việc làm Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc tư vấn, em Nguyễn Công Toàn đã lựa chọn theo học nghề. Vẫn biết học nghề là phù hợp hơn với bản thân nhưng các em cũng không tránh khỏi tâm lý băn khoăn khi xã hội vẫn còn nặng về coi trọng bằng cấp.
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hút người học ngay từ đầu năm, nhưng đến nay, công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc mới đạt khoảng 60-70%, trong đó, chỉ tiêu khối cao đẳng mới đạt trên 50%. Để “chạy đua” tuyển sinh, đảm bảo đầu vào, nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề, kết nối đào tạo với nhu cầu việc làm thực tế của doanh nghiệp, tuy nhiên, tư tưởng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải đi học đại học của nhiều gia đình vẫn chưa thay đổi được.
Cũng như Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, để đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh, Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc đã phải kéo dài thời gian tuyển sinh trong suốt cả năm học. Công tác tư vấn tuyển sinh cũng được thực hiện tại hơn 100 Trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh và tại một số tỉnh lân cận.
Năm 2021, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt ban hành Quyết định về “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó, có 40 đến 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Và đến năm 2030, mục tiêu này tăng lên là 50 đến 55%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn gặp rất nhiều thách thức.
Theo đại diện lãnh đạo các trường dạy nghề, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của phần lớn các bậc phụ huynh và học sinh, điều này trở thành rào cản khiến cho việc tuyển sinh vào các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi những chế độ, chính sách của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ, khuyến khích học nghề được triển khai ngày càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng cao, thu nhập của công nhân lành nghề cũng không hề thấp, thế nhưng, công tác tuyển sinh tại đa số các trường nghề vẫn chưa thể dễ dàng thực hiện. Đây cũng là thực trạng đòi hỏi những giải pháp lâu dài, nhưng trước mắt cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức về học nghề, làm nghề của phụ huynh và học sinh, tránh dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
Phương Anh