Các di tích lịch sử - văn hóa là một phần quan trọng của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư trong suốt chiều dài lịch sử. Trải qua thời gian cùng sự tác động, biến đổi của khí hậu, nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch bảo tồn các di tích, tuy nhiên vì số lượng hằng năm khá lớn nên nhiều di tích mặc dù đã được đưa vào danh mục các di tích được hỗ trợ đầu tư, tu bổ nhưng đến nay vẫn đang “nằm chờ” bảo tồn.
Đình Bảo Đức, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên đã xuống cấp nhiều năm, những bức tường bị nứt vỡ, vôi vữa bong tróc loang lổ để lộ cả gạch đỏ bên trong, mái ngói cũng hư hỏng nặng, thấm dột nhiều vị trí, mỗi khi mưa xuống nước chảy lênh láng trong đình. Cực chẳng đã, người dân đành phải căng bạt một số vị trí hay thấm dột nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.
Bên trong Đình lộ rõ nhiều khe hở do mái ngói hư hỏng, nhiều hiện vật quý có niên đại hàng trăm năm ở đây không có chỗ bảo quản cũng đang có nguy cơ hư hỏng, mất đi giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật vốn có.
Theo các tài liệu lịch sử và Ngọc phả còn lưu giữ lại, đình Bảo Đức được xây dựng cách đây hơn 200 năm thờ Vua Lý Nam Đế, Thân Mẫu và Phu nhân của Nhà Vua. Năm 1994, đình Bảo Đức được công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đến năm 2009, Đình được người dân đóng góp tu sửa lại. Từ đó đến nay, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Đình Vĩnh Lại, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường được khởi dựng từ cuối thế kỷ XVII gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng Vĩnh Lại. Đình được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 1992, lưu giữ được nhiều hiện vật mang giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật thời Lê, tuy nhiên đến nay cũng đang phải kêu cứu vì nguy cơ sập đổ.
Bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng thấy toàn bộ phần mái hư hỏng nặng, các vách tường đã bị nứt tạo thành khe hở, độ nghiêng dốc cao, phần kết cấu bên trong Đình bị mối mọt ăn xông mục ruỗng. Để bảo vệ Đình trước nguy cơ sập đổ, chính quyền địa phương và Nhân dân trong thôn đã chủ động phủ bạt toàn bộ phần mái để ngăn nước mưa thấm dột vào trong, đồng thời dựng các cột chằng chống bên trong đình.
Đây chỉ là 2 trong số 63 di tích nằm trong danh mục được hỗ trợ đầu tư, tu bổ trong giai đoạn 2019-2025 theo Nghị quyết 71 của HĐND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Trước thực trạng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được trùng tu, tôn tạo kịp thời, các di tích sẽ có nguy cơ sụp đổ, biến mất hoặc không còn nguyên vẹn. Đây cũng là nhu cầu bức thiết mà người dân địa phương mong mỏi sớm được thực hiện, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân mà còn khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử - văn hoá gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung
Phương Anh