Cập nhật: 14/10/2024 08:07:00
Xem cỡ chữ

Kết quả khảo sát cho thấy triển vọng tiếp cận vốn qua đánh giá của doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn còn nhiều khó khăn.

Cần nhiều giải pháp để doanh nghiệp sớm tiếp cận được vốn vay. (Ảnh minh họa)

Cần thêm các chính sách mở

Theo báo cáo mới nhất về đánh giá tình hình doanh nghiệp (DN) của Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), DN đánh giá triển vọng tiếp cận vốn trong thời gian tới có tích cực hơn so với các cuộc khảo sát năm 2023. Theo đó, số lượng DN đánh giá “rất tích cực” gấp gần 4 lần (3,1% so với với 0,8%); Tỷ lệ đánh giá “tích cực” gấp 6,5 lần (13,4% so với 1,9%). Trong khi đó, các đánh giá “tiêu cực” giảm gần 1,3 lần (từ 41,9% còn 30,2%); đánh giá “rất tiêu cực” giảm chỉ còn hơn 50% so với kỳ khảo sát tháng 4/2023 (còn 19,4% so với 37,2%).

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy triển vọng tiếp cận vốn qua đánh giá của DN tham gia khảo sát vẫn còn tiêu cực. Vẫn có 49,6% DN đánh giá triển vọng tiếp cận vốn trong 12 tháng tới “tiêu cực/rất tiêu cực”, trong đó 19,4% đánh giá “rất tiêu cực”. Đáng chú ý, DN tại TP Hồ Chí Minh vẫn có mức đánh giá tiêu cực về triển vọng tiếp cận thị trường vốn với điểm trung bình chỉ ở mức 2,42/5, thấp hơn so với Hà Nội (2,58) và DN tại các địa phương khác (2,54).

Theo phản ánh của hầu hết DN, vốn ưu đãi dành cho DN hiện rất khó tiếp cận. Chưa kể, DN trong nước rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài. Bởi lợi thế của DN nước ngoài là làm hàng chỉ định (trong chuỗi), trong khi DN trong nước không thể tiếp cận hoặc chỉ làm gia công lại cho các DN nước ngoài với đơn giá rất thấp. Bên cạnh đó, một số vướng mắc khi tiếp cận vốn vay như thủ tục quá rườm rà, tốn quá nhiều thời gian, không liên hệ được vốn vay…

Từ các khó khăn trên, các DN cho rằng, để DN dễ dàng tiếp cận vốn vay, cần tăng cường hỗ trợ vốn từ các ngân hàng với các chính sách mở với các gói tín chấp hoặc cho vay tài trợ khoản phải thu; Thời gian vay vốn cần tăng lên thay vì 6 tháng phải đáo hạn một lần, gây nhiều khó khăn cho DN. Ngân hàng cũng cần giảm lãi để giúp duy trì và tạo đà phát triển cho DN, nhất là những DN còn đang có năng lực hoạt động, đang vay ổn định, chưa phát sinh nợ xấu, chưa phải bán tài sản để trả nợ. Nếu được trợ lực kịp thời, những DN này sẽ góp phần duy trì kinh tế, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp khác duy trì và cùng vượt khó để phát triển bền vững.

Cần đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng DN Việt Nam hiện nay. Do 98% DN của Việt Nam là nhỏ và vừa, vì vậy cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các DN này, từ đó tạo khơi thông dòng vốn tín dụng.

Ngoài ra, NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gói hỗ trợ về thủy sản và chế biến gỗ đã nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đăng ký các gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất. Hiện đã có 30/45 TCTD đăng ký với tổng giá trị các gói là 405.000 tỷ đồng, lãi suất sẽ giảm từ 0,5 - 2%.

Liên quan đến vấn đề DN bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn, mới đây, NHNN cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm khi thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và đối tượng quản lý, trong thời gian qua, NHNN đã có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các TCTD.

Trong đó, yêu cầu các TCTD không để xảy ra trường hợp TCTD, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, NHNN cũng bổ sung việc thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các TCTD vào kế hoạch tiến hành thanh tra.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được phân công trách nhiệm về “kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của TCTD”. Do đó, NHNN và Bộ Tài chính đã trao đổi, làm việc và thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của TCTD. Cùng với đó, NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc, khẩn trương xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm qua đường dây nóng của NHNN theo Quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD.

Theo baophapluat.vn

 https://baophapluat.vn/giai-quyet-rao-can-tiep-can-von-cho-doanh-nghiep-post528474.html