Cập nhật: 14/10/2024 08:00:00
Xem cỡ chữ

Mỗi năm thế giới có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa (RTN) đổ ra biển, trong đó Việt Nam "đóng góp" khoảng 0,73 triệu tấn. RTN đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển và đại dương, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái biển; phát triển du lịch bền vững; các hoạt động ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng như chất lượng cuộc sống người dân ven biển… Đây không chỉ là vấn nạn toàn cầu mà còn là bài toán nan giải mà các quốc gia có biển đang phải đối mặt.

Rác thải biển tồn đọng nhiều, gây ô nhiễm môi trường tại tuyến đê biển của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: HUY HOÀNG)

Bài 1: Rác thải nhựa tràn lan các bờ biển

Hằng năm, theo dòng hải lưu, rác nhựa đại dương (ngư lưới cụ, xốp, bao ni-lông, vật dụng cao-su, chai lọ…) từ các lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu, thuyền đánh bắt hải sản hoặc có nguồn gốc từ đất liền (theo ra biển qua sông, suối) trôi dạt với khối lượng lớn và tấp vào, đọng lại tại các vũng, vịnh ven biển... Lâu dần, chúng sẽ tạo thành những "núi" RTN, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là dịch vụ du lịch biển.

Bài toán rác thải nhựa trên biển ảnh 1

Thu gom rác thải đáy biển tại Đà Nẵng. (Ảnh: TRUNG ĐÀO)

Nỗi lo từ đại dương

Cứ vào độ tháng 9, 10 hằng năm, nhiều khu vực tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) bắt đầu xuất hiện rác thải từ đại dương trôi dạt vào bờ. Nhiều ngày liền, khu vực cửa biển đoạn sông Cà Ty (phường Bình Hưng) liên tục có những thùng xốp, chai nhựa, túi ni-lông... nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Khi nước rút, các loại rác thải này nằm lại trên bùn. Sau nhiều năm, rác thải bị nén "chặt" dưới nhiều lớp bùn đất, trở thành nguồn ô nhiễm và rất khó bị phân hủy.

Khu du lịch Mũi Né là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi RTN. Khu vực bãi trước biển Mũi Né, rác kéo dài hàng nhiều cây số. Rác thải đại dương không chỉ gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà còn bốc mùi hôi nồng nặc. Nhiều chủ khách sạn, resort phải đóng cửa để cho nhân viên đi dọn rác hoặc trả tiền thuê người "canh" vớt rác. Nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ.

Ngược về miền trung, tỉnh Thanh Hóa, địa phương có hơn 100 km đường bờ biển, cũng thường xuyên chịu chung tình cảnh rác thải đại dương dạt vào bờ. Vào những tháng cao điểm mùa du lịch, lượng RTN cũng tăng cao do nhiều du khách đến nghỉ dưỡng tại các bãi biển Sầm Sơn, Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa)… thải ra môi trường.

Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề bởi RTN đại dương dạt vào bờ phải kể đến các xã ven biển Ngư Lộc, Đa Lộc,… của huyện Hậu Lộc. Người dân sinh sống ở đây cho biết: Những năm gần đây, RTN ngoài biển tràn vào nhiều, nhất là khi biển động, mưa bão.

Hơn nữa, bên ngoài đê còn có rừng sú, vẹt. Khi nước lên, RTN tràn vào và khi nước rút đi thì những hàng cây này vô tình trở thành nơi "níu giữ" các thùng xốp, túi ni-lông… Huyện Hậu Lộc là nơi giao thoa giữa 2 cửa sông Lạch Sung và Lạch Trường.

Do tác động của triều cường, một lượng lớn rác thải thường xuyên từ ngoài biển trôi dạt vào và đọng lại ở bờ biển các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc… khiến cho vùng biển trên địa bàn huyện biến thành bãi rác nổi.

Tại các đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa), Hòn Cau (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu),… số lượng du khách đến các huyện đảo, xã đảo này tham quan, du lịch ngày càng nhiều bởi vẻ đẹp nguyên sơ của rừng và biển.

Điều đó phần nào khẳng định tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo tại nơi đây là rất lớn, nhưng kèm theo là tình trạng ô nhiễm RTN. Khối lượng RTN tại các bãi biển và các đảo này cũng đang lớn hơn tổng khối lượng rác thải trên bờ biển.

Các kết quả điều tra cũng cho thấy chỉ số bờ biển sạch CCI tại các bãi biển và đảo ngoài khơi được xếp ở mức độ ô nhiễm chất thải nhựa từ trung bình đến rất ô nhiễm. Những yếu tố này đã và đang làm giảm thu nhập từ du lịch, ảnh hưởng đến sinh kế người dân địa phương. Ngoài ra, ô nhiễm RTN cũng tác động đến hoạt động ngư nghiệp. Chất thải nhựa cũng đe dọa trực tiếp an toàn thực phẩm, hệ sinh thái biển và ảnh hưởng sức khỏe con người cũng như uy tín ngành thủy sản.

Nan giải thu gom, xử lý rác thải nhựa

Hiện nay chưa có cơ quan, đơn vị nào chủ trì thu gom, xử lý RTN trên bờ biển. Việc dọn dẹp nguồn ô nhiễm này do mỗi địa phương tự tổ chức và thực hiện. Chủ tịch UBND phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết Bùi Ngọc Lâm cho biết: Hằng năm, rác đại dương từ biển dạt vào rất nhiều đã làm ảnh hưởng du lịch. Sau khi trôi dạt vào bờ rác sẽ bị cát chôn lấp.

Do đó, những người đi dọn rác rất vất vả. Mỗi lần thu gom rác, phường phải huy động người dân, nhân viên khách sạn, bảo vệ dân phố làm vào ngày cuối tuần. Phường thuê xe cẩu để móc rác từ trong cát với giá 6 triệu đồng, thuê xe tải chở rác 2 triệu đồng.

Trong mấy tháng gần đây, phường đã tổ chức nhiều đợt thu gom rác và trung bình mỗi lần ra quân thu dọn phải dùng xe tải loại 7 tấn chở đi 4 lần mới hết. Hiện nay, rác đại dương thì có 90% là nhựa như lưới ngư cụ, túi ni-lông, chai nước, vỏ bánh xe…

Hiện, phường chỉ có giải pháp duy nhất là huy động người dân đi dọn. Còn kinh phí thì lấy từ nguồn ngân sách địa phương và vận động từ nhiều nguồn khác nhau.

"Năm nào cũng thế, rác từ biển trôi dạt vào. Nếu không ra quân thu gom rác đại dương liên tục sẽ nằm dưới bùn gây bốc mùi hôi thối. Do không có nguồn kinh phí, phường chỉ có thể hỗ trợ cho mỗi người 30.000 đồng/ngày đi dọn rác. Bên cạnh đó, phường cũng trích kinh phí mua găng tay, ủng, túi đựng rác, thuê xe cẩu và xe chở rác…" - bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết chia sẻ.

Vấn đề xử lý RTN trên biển đang đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường và sự phát triển bền vững của các huyện đảo, xã đảo cũng như chiến lược phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam. Nhận thức được điều đó, nhiều tỉnh, thành phố có biển như Thanh Hóa, Bình Thuận, Quảng Ninh, Quảng Bình… đã sớm triển khai Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030; trước đó là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tại nhiều địa phương có biển, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn đều lồng ghép vấn đề quản lý RTN đại dương trong nội dung quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư cùng thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả còn một số hạn chế đó là: Công tác xử lý rác biển còn bị động, chưa kịp thời tại những thời điểm có lượng rác biển tấp vào bờ nhiều, liên tục, nhất là vào mùa mưa, bão. Một số địa phương do phải ra quân nhiều đợt trong năm để thu gom RTN cho nên gặp khó khăn về kinh phí triển khai thực hiện. Trong khi đó, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý RTN tại nhiều địa phương có biển còn hạn chế, thậm chí một số nơi chưa thống nhất thực hiện.

(Còn nữa)

Nếu không thu gom, xử lý rác biển thường xuyên thì gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Ngược lại, nếu thực hiện liên tục thì địa phương sẽ khó bố trí kinh phí cho hoạt động này. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể các xã ven biển cùng người dân chung tay dọn rác thải biển định kỳ vào những ngày cuối tuần…

Trịnh Xuân Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/bai-toan-rac-thai-nhua-tren-bien-post836105.html