Cập nhật: 04/10/2024 20:54:00
Xem cỡ chữ

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu vụ đông năm 2024 sẽ gieo trồng được 14.500ha. Để đạt được điều đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho các trung tâm trực thuộc tích cực chủ động phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang hướng hàng hóa tập trung, chú trọng vào chất lượng để nâng cao giá trị kinh tế.

Vĩnh Phúc bước vào sản xuất vụ Đông năm 2024 trong điều kiện hết sức khó khăn. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 với những đợt mưa lớn kéo dài làm ngập úng nhiều diện tích lúa mùa, khiến thời vụ thu hoạch lúa mùa chậm 5 - 7 ngày so với các năm. Theo đó, thời vụ gieo trồng vụ Đông, nhất là các cây ưa ấm như ngô, đậu tương, lạc, khoai lang… cũng bị chậm lại. Bên cạnh đó, ngày công lao động tăng cao, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp thấp khiến cho nhiều nông dân không “mặn mà” với đồng ruộng. Nhằm tạo ra bước đột phá trong sản xuất vụ Đông, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp người dân phát triển sản xuất, trồng trọt, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ trên người nông dân đã yên tâm gắn bó hơn với đồng ruộng.

Với sự chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của bà con nông dân nên đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 18.000 ha cây trồng, đạt hơn 87% kế hoạch, trong đó, riêng cây ngô chiếm tới trên 10.000 ha. Theo đánh giá sơ bộ của ngành Nông nghiệp và các địa phương, vụ Đông này nông dân sản xuất với chủng loại và cơ cấu giống cây vụ đông được chuẩn bị khá phong phú, đầy đủ, nguồn cung dồi dào; giá các mặt hàng nông sản hiện nay đang ở mức có lợi cho người sản xuất, năng suất tăng cao so với vụ trước; một số loại cây trồng vụ Đông sớm, rau màu được thương lái thu mua tại đầu ruộng và doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên người nông dân rất phấn khởi.

Trong vụ đông năm nay, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa cây bí đỏ với trên 1.400ha, góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Những năm gần đây, vụ đông ở xã Vũ Di trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nông dân. Qua quá trình sản xuất, bà con nông dân đã áp dụng thành công nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là mô hình đưa cây bí đỏ vào trồng vụ đông trên đất hai lúa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua thực tế triển khai cho thấy, các giống bí đỏ có thể gieo trồng được cả 3 vụ/năm. Nhìn chung cả 3 vụ, các giống bí đỏ đều sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng thích ứng rộng, nhất là ở vụ xuân và vụ đông. Điều quan trọng, quả bí đỏ có vỏ dày, cứng, có thể bảo quản trong thời gian dài, nên rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi rau giáp vụ khan hiếm. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, cây bí đỏ là một loại rau sạch, bổ dưỡng nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Vì vậy, để rau, quả bí đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap thì cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và thảo mộc.

Trước xu hướng diện tích trồng bí đỏ ngày càng được mở rộng, người nông dân đang tích cực áp dụng các giải pháp thâm canh sạch để sản phẩm bí đỏ được an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu bí đỏ cho Vĩnh Phúc. Để việc tiêu thụ sản phẩm bí đỏ được thuận lợi, các HTX nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp, các HTX bạn để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất vụ Đông.

 

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng; tổng đàn trâu, bò của tỉnh hiện có hơn 120 nghìn con nên nhu cầu về thức ăn thô xanh rất lớn. Nắm bắt nhu cầu đó, Trung tâm Giống nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng ngô sinh khối; đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc; đánh giá các yếu tố sản xuất, tiêu thụ để mở rộng vùng trồng ngô sinh khối phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.300 ha ngô sinh khối được trồng tập trung ở các huyện: Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Dương và thành phố Vĩnh Yên. Phá thế độc canh trồng ngô hạt, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp trồng ngô sinh khối tạo ra sản phẩm sạch, cho hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được diện tích đất lúa nhàn rỗi rất lớn trong vụ Đông, tránh tình trạng bỏ ruộng.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ đông, tập trung gieo trồng các loại cây trồng còn trong khung thời vụ để tăng diện tích, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và tăng sản phẩm cho xã hội, phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất toàn vụ trên 1.100 tỷ đồng.

Lê Dũng