Cập nhật: 21/10/2024 07:49:00
Xem cỡ chữ

Viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine và Israel trong thời gian qua, Mỹ hiện đứng trước nguy cơ bị suy yếu năng lực phòng thủ nội địa và mất sức răn đe tại địa bàn trọng yếu chiến lược bên ngoài nước Mỹ.

Áp lực lên giới quân sự Mỹ khi phải viện trợ thường xuyên

Trong các tháng qua, gần như tuần nào, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng thông báo họ đang gửi thêm lô viện trợ vũ khí mới sang Ukraine hoặc Trung Đông.

Và cũng những lần đó, giới chức Lầu Năm Góc (tức Bộ Quốc phòng Mỹ) đang thảo luận liệu dòng chảy viện trợ quân sự từ Mỹ sang Ukraine và Israel có làm tổn thương năng lực của quân đội Mỹ phản ứng lại một cuộc xung đột bất ngờ mới hay không, đặc biệt là ở Thái Bình Dương.

my lo bi suy yeu phong thu va ran de do vien tro quan su cho ukraine va israel hinh anh 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Defense Post.

Những ngày gần đây, những thảo luận đó lại sôi động trở lại sau khi chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố họ gửi THAAD - một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến cho Israel, cùng với 100 binh sĩ Mỹ để vận hành hệ thống đó.

Hệ thống THAAD (viết tắt của Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) là một công cụ phòng thủ cơ động tiên tiến có thể bắn hạ được các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung khi đang bay trên bầu trời.

Israel cần một hệ thống như vậy trong bối cảnh họ chuẩn bị tấn công trả đũa Iran. Trước đó, Iran đã phóng khoảng 200 quả tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel.

Mỹ được cho là chỉ có 7 tổ hợp THAAD như vậy, trong đó 1 tổ hợp được bàn giao cho Israel, 1 tổ hợp được đưa tới Trung Đông để bảo vệ quân Mỹ trước nguy cơ các cuộc tấn công từ lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng được cho là đang sở hữu 1 tổ hợp THAAD.

Tình thế suy yếu năng lực phòng thủ ngay trên sân nhà

Việc triển khai THAAD ra bên ngoài nước Mỹ được xem là làm sứt mẻ năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tướng Randy George - tham mưu trưởng lục quân Mỹ cho biết: “Ai cũng muốn sở hữu lực lượng phòng không của lục quân Mỹ”.

Christine E. Wormuth - Bộ trưởng Lục quân Mỹ, còn thẳng thừng hơn: “Công đồng phòng không và pháo binh là căng thẳng nhất”. Bà cảnh báo: Lục quân Mỹ cần thận trọng về việc xài quá mức lực lượng và vũ khí của mình.

Trong hai năm rưỡi qua, lượng lớn vũ khí đã rời Mỹ để vượt Đại Tây Dương. Mỹ đã gửi hơn 61 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi quân đội Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào đầu năm 2022. Số viện trợ này bao gồm các hệ thống Patriot và hệ thống phòng không khác, các hệ thống tên lửa tầm xa như ATACMS và HIMARS, xe chiến thuật lục quân, vũ khí chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger và đạn dược.

Sau khi tổ chức chiến binh Hồi giáo Hamas tấn công Israel vào tháng 10/2023, Lầu Năm Góc gia tăng viện trợ quốc phòng cho Israel.

Mỹ có một tàu tấn công đổ bộ và ba khu trục hạm có tên lửa dẫn đường ở Đông Địa Trung Hải. Tàu sân bay Harry S. Truman của Mỹ đã rời Virginia vào cuối tháng 9 vừa qua để tập trận ở Bắc Âu.

Hải quân Mỹ có vài khu trục hạm tên lửa dẫn đường ở Biển Đỏ, theo Viện Hải quân Mỹ. Tàu sân bay Abraham Lincoln đang ở vịnh Oman để theo dõi Iran, cùng với nhóm tàu tác chiến đi kèm.

Tướng Charles Q. Brown Jr. - chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đặt dấu hỏi đối với tác động từ việc mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông lên khả năng của quân đội Mỹ phản ứng nhanh chóng với tình huống khủng hoảng bất ngờ.

Mỹ trước nguy cơ bị hở sườn ở địa bàn chiến lược trọng yếu

Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh vật với bài toán duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ, đặc biệt là khả năng tác chiến ngay lúc này, trong khi vẫn phải hỗ trợ cho các đồng minh ở nước ngoài. Xung đột Ukraine và xung đột Israel diễn ra cùng một lúc đã khiến áp lực đó trở nên hết sức rõ nét.

Việc khan hiếm tên lửa ATACMS là một trong những lý do Tổng thống Mỹ Biden từ chối yêu cầu của Ukraine muốn được sử dụng vũ khí này để tập kích sâu vào trong lãnh thổ Nga. Giới chức Lầu Năm Góc cho biết, họ đơn giản là không thể cung cấp thêm vũ khí này cho Ukraine mà không đụng đến kho dự trữ của quân Mỹ phòng khi cần sử dụng do có biến ở Trung Đông cũng như phần còn lại của châu Á.

Hệ thống phòng không Patriot được Ukraine sử dụng nhiều để ngăn chặn các loạt tên lửa Nga đánh vào hệ thống lưới điện của Ukraine. Nhưng việc đó, Bộ trưởng Lục quân Wormuth nói, lại đe dọa làm hao mòn các kíp điều khiển Patriot và khiến lục quân Mỹ khó đưa các tổ hợp Patriot trở về Mỹ để kiểm tra định kỳ và nâng cấp công nghệ.

Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại xung đột tại Trung Đông và tại Ukraine sẽ rút bớt nguồn lực khỏi khu vực Thái Bình Dương, nơi có những điểm nóng như Đài Loan và Biển Đông.

Seth G. Jones, phó chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, Mỹ cần một loạt vũ khí và đạn dược để bảo đảm sức răn đe tại những khu vực này và nếu không đạt được khả năng răn đe, Mỹ có nguy cơ phải trực tiếp chiến đấu.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-lo-bi-suy-yeu-phong-thu-va-ran-de-do-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-va-israel-post1129721.vov