Chương trình mỗi xã một sản phẩm ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm nông sản địa phương, tạo sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở khu vực miền núi của tỉnh. Đồng thời, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo động lực phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu.
Để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có 15-20 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, mỗi năm có từ 1-3 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng cấp huyện và cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên, huyện Tam Đảo đã tận dụng lợi thế là địa phương phát triển nông nghiệp, có nhiều sản phẩm đặc trưng, như: rau su su, trứng gà an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng và các loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao... để phát triển các sản phẩm OCOP.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng bao bì, nhãn hàng hóa sản phẩm, bảo đảm thị hiếu và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mạnh dạn đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình; tích cực hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký; thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP…
Với sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, huyện Tam Đảo đã có 21 sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn 4 sao và 3 sao như: nấm sò Tam Đảo, trà túi lọc hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ, các sản phẩm từ sữa mang thương hiệu Tam Đảo như sữa chua, sữa chua nếp cẩm và sữa chua uống Tam Đảo…
Chương trình OCOP như một làn gió mới đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung.
Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong Chương trình OCOP của tỉnh, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đi đầu trong Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP ở địa phương, với 6 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao. Hiện nay, công ty đã xây dựng được hơn 30 nhà phân phối, hơn 500 đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đồng thời, sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Để giữ vững thị trường, thời gian tới công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm ngành ong; đồng thời, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm, nhất là phát triển những dòng sản phẩm phục vụ du lịch.
Với hiệu quả thiết thực từ chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, thời gian qua, thành phố Phúc Yên đã tiến hành khảo sát, phê duyệt nhiều ý tưởng, sản phẩm để đưa vào Chương trình OCOP. Với 30 sản phẩm tiêu biểu, chủ lực của địa phương, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố Phúc Yên đã thống nhất, chấm điểm cho 20 sản phẩm đạt từ 3-4 sao. Được chắp thêm “đôi cánh OCOP”, các sản phẩm tiêu biểu của địa phương có điều kiện vươn xa.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH phát triển Công nghệ cao Minh Anh, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên là 1 trong số những sản phẩm OCOP đã được Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP thành phố Phúc Yên bình chọn từ năm 2022. Để được đánh giá công nhận sẩn phẩm OCOP, Công ty đã đầu tư điều kiện cơ sở vật chất có quy mô, hiện đại; quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi môi trường vô trùng. Người lao động tuân thủ các quy định rất khắt khe về bảo hộ lao động và các điều kiện khác liên quan.
Việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo được thực hiện trên cơ sở công nghệ sinh học, trong môi trường vô trùng để không phát sinh mầm bệnh. Các giống thuần đông trùng hạ thảo được nuôi cấy phân lập trên giá thể tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Tất cả các khâu, từ thu hoạch, phân loại, sấy thăng hoa… tuyệt đối bảo đảm an toàn thực phẩm để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH phát triển Công nghệ cao Minh Anh được xuất đi nhiều tỉnh, thành miền Bắc với số lượng từ 3-5 tạ/tháng. Sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng thận, tốt cho bệnh nhân hen suyễn…Công ty TNHH phát triển Công nghệ cao Minh Anh có 3 sản phẩm là đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa và đông trùng hạ thảo sấy nhiệt được xếp hạng OCOP. Thương hiệu này giúp nâng tầm sản phẩm, được nhiều thị trường, bạn hàng biết đến và đón nhận.
Không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, các sản phẩm OCOP còn giúp các địa phương tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống cho nhân dân. Sau khi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP ở cấp địa phương, các sản phẩm tiêu biểu này sẽ được hỗ trợ để hoàn thiện, nâng cao tiêu chí và tiếp tục tham gia vòng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tại địa phương, việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm được gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Phúc Yên giai đoạn 2021-2025. Để từng bước nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP chủ lực, thành phố Phúc Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường phối hợp với UBND các xã, phường triển khai hiệu quả chương trình “nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn - cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế”. Nhờ vậy, số lượng sản phẩm, chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP ở thành phố Phúc Yên ngày một tăng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc. Cùng với việc lập quy hoạch vùng sản xuất, phát triển chuỗi liên kết, tỉnh chú trọng xây dựng nhãn hiệu cho các nông sản đặc trưng, từ đó nâng cao giá trị và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm qua, qua đánh giá, phân hạng, tỉnh có thêm 44 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 105 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Lê Dũng