Cập nhật: 08/11/2024 20:45:00
Xem cỡ chữ

Phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, dư luận xã hội thời gian qua còn nhiều băn khoăn về tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, làm sao giảm áp lực cho các nhà trường, học sinh và phụ huynh mà vẫn đảm bảo yêu cầu đề ra về phân luồng học sinh.

Bước vào năm học mới, nhiều học sinh lớp 9 bậc THCS đã cảm thấy áp lực hơn trong học tập bởi phải chuẩn bị đối mặt với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vào cuối năm học với cường độ học tập cao hơn và phải đi học thêm các môn văn hóa nằm trong kỳ thi. Với đa số học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh đều có mong muốn được tiếp tục học lên bậc THPT.

Đối với các nhà trường THCS, đảm bảo chỉ tiêu phân luồng cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho Ban Giám hiệu, các tổ chuyên môn và các thầy cô giáo trong việc vừa đảm bảo chất lượng giáo dục mũi nhọn, đại trà cũng như tổ chức các kỳ thi khảo sát để đánh giá chất lượng, phối hợp với phụ huynh nhằm đảm bảo tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS.

Trước những băn khoăn của các nhà trường, bậc phụ huynh và học sinh về phân luồng học sinh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch điều tra dư luận xã hội về công tác phân luồng học sinh sau THCS và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 nhằm thu thập thông tin, đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện về phân luồng học sinh. Đây cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu quốc hội quan tâm tại diễn đàn kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá đúng thực tế công tác phân luồng học sinh sau THCS, việc định hướng nghề nghiệp sau THCS; mức độ phù hợp của công tác phân luồng với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh và phụ huynh cũng như các chương trình học nghề sau THCS hiện tại đã đủ hấp dẫn hay chưa; hệ thống giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu để thu hút học sinh hay không chính là những cơ sở để cơ quan chức năng có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với cấp uỷ lãnh đạo triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn nhằm điều chỉnh, đổi mới chính sách giáo dục địa phương, qua đó giảm áp lực thi cử và nâng cao chất lượng tuyển sinh, giúp học sinh có nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân, nhất là đối với địa phương có truyền thống hiếu học như Vĩnh Phúc.

Ngọc Anh