Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung nhiều điểm mới về xét tuyển sớm, đặc biệt là quy định các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12.
Xét tuyển sớm hiện đang là hình thức tuyển sinh phổ biến của các cơ sở giáo dục đại học vài năm gần đây. Tuy nhiên, việc các trường công bố kết quả thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trước thời điểm kết thúc năm học được cho là một trong những nguyên nhân khiến học sinh lơ là, chủ quan, ảnh hưởng đến kết quả giáo dục phổ thông. Vì thế, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung nhiều điểm mới về xét tuyển sớm, đặc biệt là quy định các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12.
Luật Giáo dục đại học cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tuyển sinh nên trong những năm gần đây, nhiều trường đã tổ chức tuyển sinh và công bố thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển đối với những phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ tháng 3, 4 hàng năm, thậm chí từ tháng 1.
Đối với phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn, căn cứ xét tuyển mà nhiều trường áp dụng thường là điểm học bạ từ 3 đến 5 học kỳ, không có kỳ II lớp 12 do học sinh chưa kết thúc năm học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc biết kết quả đủ điều kiện trúng tuyển sớm khiến nhiều học sinh nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là việc học, dẫn đến chất lượng giáo dục phổ thông bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Trần Mạnh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Newton, Hà Nội nêu thực tế: "Năm vừa qua, khi các em biết các kết quả trúng tuyển sớm thì các em đã mất tập trung, không còn chú tâm vào việc học tập trên lớp dẫn đến ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy và trò, ảnh hưởng đến việc các con sẽ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6".
Từ thực tế này, trong một số hội nghị liên quan đến công tác thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2024, nhiều ý kiến đề xuất Bộ và các trường cần có giải pháp để vừa đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Một số ý kiến cho rằng, việc dự thảo quy định các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm và trong trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh là phù hợp, bởi vừa đảm bảo công bằng, vừa tránh được tình trạng thí sinh lơ là, chủ quan trong học tập ở học kỳ II. Quy định này có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, nhưng nhìn ở góc độ rộng hơn, điều này vẫn mang tới những tác động tích cực, đảm bảo hài hoà giữa giáo dục phổ thông và xét tuyển đại học.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Khoa học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, quy định này có thể làm giảm bớt các phương thức tuyển sinh dễ dãi, góp phần giúp các trường chú trọng đến chất lượng nguồn đầu vào, đồng thời, giảm tình trạng học sinh học lệch, thậm chí là bỏ học sau khi đã trúng tuyển:
"Giữa kỳ thi trung học phổ thông và kết quả học bạ là có độ chênh lệch rất là lớn, tất cả những điều đấy là dẫn đến chất lượng đầu vào đại học có vấn đề. Rất nhiều em học hết năm thứ nhất đã phải bỏ học, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên thì tỷ lệ bỏ học này là nhiều hơn".
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, việc cơ sở giáo dục đại học áp dụng các phương thức tuyển sinh như thế nào là quyền tự chủ của các trường, nhưng cần phải nhận thức rõ việc tuyển sinh này không làm tác động tiêu cực tới giáo dục phổ thông, để từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp:
"Dù áp dụng phương thức tuyển sinh nào nhưng không để tác động tiêu cực tới việc dạy và học ở bậc phổ thông. Ví dụ chúng ta thấy là cũng có hiện tượng là các trường xét tuyển sớm rất nhiều và các em học sinh sau khi biết mình đủ điều kiện trúng tuyển là xao nhãng việc học hành, cái đó là tác động tiêu cực. Nếu chúng ta chưa có tác động tiêu cực thì ít nhất chúng ta không để tác động tiêu cực tới giáo dục phổ thông".
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nhận ý kiến góp ý đến cuối tháng 1/2025.
Theo Minh Hường/VOV1
https://vov.vn/xa-hoi/xet-tuyen-dai-hoc-bang-hoc-ba-phai-dung-diem-ca-nam-lop-12-post1137739.vov