Hiện nay, việc sử dụng các nền tảng số trong hoạt động hàng ngày của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã và đang diễn ra phổ biến. Từ sản xuất kinh doanh, cung ứng sản phẩm, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đến quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các địa phương,…đều sử dụng và khai thác hiệu quả các ứng dụng số.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Phương, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch tham gia trồng cây Thanh long ruột đỏ - một đặc sản OCOP nổi tiếng của địa phương. Các sản phẩm Thanh long ruột đỏ của gia đình chị cùng với nhiều hộ dân khác trong xã được biết đến nhiều hơn khi sử dụng các nền tảng số zalo, facebook…để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh
Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, đa số người dân đều sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán tiếp thị trên sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.600 sản phẩm hàng hóa các loại tham gia sàn thương mại điện tử. Cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước thì sự đồng hành từ các đơn vị cung cấp hạ tầng số là yếu tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ, đạt hiệu quả.
Linh hoạt, ứng dụng nhiều tiện ích thuận tiện trong sử dụng đối với đông đảo người dân, đơn vị, doanh nghiệp các nền tảng số ngày càng phát huy được hiệu quả thiết thực vào việc xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cung cấp các giải pháp số hóa tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh rút ngắn thời gian, tăng tiến độ công việc tạo bước chuyển mạnh mẽ khi hình thành xã hội số, kinh tế số.
Tiến Trang