Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị.
Song song với việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI, toàn tỉnh đã giảm được 138 đầu mối phòng, ban và tương đương thuộc các cơ quan cấp tỉnh; giảm 10 phòng chuyên môn cấp huyện, giảm 137 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 16 xã, 142 thôn, tổ dân phố. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm 4.563 chỉ tiêu biên chế so với biên chế được giao năm 2015.
Vĩnh Phúc đã tập trung xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, toàn tỉnh sẽ giảm 10 Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cấp tỉnh; 13 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 10 Đảng bộ và 3 chi bộ cơ sở; chuyển giao 87 tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ khối Doanh nghiệp và 56 tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ khối Cơ quan tỉnh về các Đảng bộ huyện, thành phố, Đảng bộ chính quyền tỉnh và Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp tỉnh; giảm 25 đầu mối các cơ quan khối Đảng, đoàn thể; giảm 137 đầu mối các cơ quan khối chính quyền. Phương án trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đối với công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến cán bộ trong từng cơ quan, tổ chức, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm cao và lãnh đạo, quản lý các cấp phải hi sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung; kiên quyết thực hiện tinh giản; chống chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch trong công tác cán bộ.
Trên tinh thần bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù của tỉnh đối với cán bộ dôi dư khi sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy; tính toán phương án sử dụng trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan sau sáp nhập, tránh lãng phí.
Xây dựng tiêu chí đánh giá, bố trí, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị sáp nhập; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tham mưu xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định và chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị cần khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp bộ máy bên trong, nhất là cấp huyện.
Đối với các đơn vị trong diện sáp nhập, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tính toán phương án sắp xếp để bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay sau khi sắp xếp.
Ngọc Anh