Cập nhật: 05/02/2025 15:29:00
Xem cỡ chữ

Sốt phát ban là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính thường do virus gây ra, đặc trưng bởi các nốt phát ban đỏ trên da kèm sốt cao. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng đôi lúc virus cũng có thể tấn công người lớn khi có các điều kiện thuận lợi như miễn dịch kém.

3 trẻ tử vong nghi do sốt phát ban

Sở Y tế Quảng Nam đã nhận được báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My về tình hình sốt phát ban ở trẻ em của xã Trà Leng.

Trong dịp Tết Ất Tỵ, trạm y tế xã Trà Leng tiếp nhận một số trẻ bị sốt phát ban, trong đó từ ngày 31/1 đến 2/2 (từ mùng 3 đến mùng 5 Tết) tiếp nhận 8 trường hợp trẻ có triệu chứng sốt, ho và phát ban.

Trong đó có 3 bệnh nhi từ 1-7 tuổi tại thôn 3, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My tử vong. Hai trường hợp đầu tiên là bé 7 tuổi và 3 tuổi, tử vong vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết. Trước đó, hai trẻ sốt và tiêu chảy, được nhân viên y tế thôn đến nhà tư vấn, khuyến cáo đưa đến trạm y tế nhưng gia đình không thực hiện. Trẻ bị mất nước và suy kiệt nghiêm trọng, dẫn đến tử vong. Theo lãnh đạo Sở Y tế, 3 trẻ tử vong nghi do tiêu chảy, người nhà không đưa đến cơ sở y tế kịp thời, dẫn đến mất nước

Sở Y tế Quảng Nam đã điều tra dịch tễ ghi nhận trong số 43 ca bệnh có trẻ được tiêm vaccine sởi, nhưng cũng có trẻ chưa tiêm hoặc chưa đủ tuổi chích ngừa. Để ứng phó, Sở Y tế chỉ đạo chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng vận động gia đình đưa trẻ ốm đến các cơ sở y tế cách ly và điều trị kịp thời. Đồng thời, các đơn vị chức năng rà soát trẻ em trên địa bàn chưa được tiêm vaccine để bổ sung, tránh nguy cơ lây lan bệnh.

Cách phát hiện sớm sốt phát ban ở trẻ- Ảnh 1.

Khoảng 70% trẻ bị sốt phát ban là do virus gây ra.

Sốt phát ban dễ lây lan

Nguyên nhân chính gây sốt phát ban là do trẻ nhiễm virus. Ghi nhận cho thấy, khoảng 70% trẻ bị sốt phát ban là do virus gây ra, điển hình gây nên bệnh này có thể kể đến như: virus sởi, virus herpes 6, virus herpes 7, virus rubella,... Bên cạnh đó, nhiễm khuẩn từ các vết cắn của côn trùng cũng có thể gây nên sốt phát ban. Đặc biệt là các côn trùng sống kí sinh trên các loài động vật như: rận, con chấy, bọ chét, …

Con đường lây nhiễm chủ yếu là trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh hoặc lây qua đường hô hấp, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Đó là lý do sốt phát ban thường gặp ở trẻ đã đi học hoặc thường xuyên ra ngoài vui chơi, đến nơi đông người.

Dấu hiệu nhận biết sốt phát ban ở trẻ

Sốt phát ban là một bệnh trải qua ba giai đoạn tiến triển: giai đoạn thứ nhất là giai đoạn sốt cao, giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát ban và giai đoạn thứ ba là giai đoạn ban lặn dần.

  • Giai đoạn 1

Ở giai đoạn này trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, có thể sốt hoặc không tùy thuộc vào loại virus gây bệnh. Ngoài ra, nếu trẻ biếng ăn, khó ngủ, có dấu hiệu ho, sổ mũi, ... thì cũng là một trong số những biểu hiện của bệnh.

  • Giai đoạn 2

Giai đoạn này trẻ đã bắt đầu cắt sốt, các nốt ban đỏ dần xuất hiện. Nếu cha mẹ chăm sóc cẩn thận và đúng cách thì các nốt ban sẽ hết trong vòng ba đến năm ngày.

  • Giai đoạn 3

Đây là giai đoạn cơ thể đang dần hồi phục, các vết ban cũng lặn dần. Tuy nhiên, với các nốt ban có dạng bọng nước nếu chăm sóc không đúng cách dễ gây nhiễm khuẩn dẫn đến lở loét hoặc nhiễm trùng để lại sẹo.

Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?

Khi trẻ có các biểu hiện sau thì cha mẹ cần đưa con đi khám ngay:

  • Trẻ sốt cao không có dấu hiệu hạ, xuất hiện các cơn co giật.

  • Trẻ có biểu hiện thở nhanh, khó thở.

  • Trẻ ngủ li bì, người mệt mỏi, không tỉnh táo.

  • Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày dẫn đến tình trạng mất nước.

  • Cách phát hiện sớm sốt phát ban ở trẻ- Ảnh 2.

  • Cách phòng ngừa sốt phát ban hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccine cho trẻ.

 

Cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccine. Với các nguyên nhân khác chưa có vaccine thì nên hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh.

Ngoài ra, mẹ nên vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, tập thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác và hạn chế đưa tay lên mặt, nhất là vùng mắt, mũi và miệng. Việc giữ gìn không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh cho trẻ.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tăng sức đề kháng của bản thân bằng lối sống lành mạnh, bổ sung đủ dưỡng chất trong chế độ ăn uống, vận động đều đặn. Một nền tảng sức khỏe tốt sẽ giúp trẻ tránh xa căn bệnh này.

Theo suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/cach-phat-hien-som-sot-phat-ban-o-tre-169250204201512207.htm