Cập nhật: 11/02/2025 20:57:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển bền vững, toàn diện, trong đó chú trọng nâng cao giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt.

Để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt để nâng cao giá trị sản xuất.

Trong năm 2024, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, xong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ vững mức tăng trưởng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và nhu cầu thực phẩm của Nhân dân trên địa bàn. Sản xuất trồng trọt tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, cơ cấu giống, cây trồng đã có sự chuyển dịch rõ nét, tỷ lệ giống lúa chất lượng ước đạt 77% diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh; các cây trồng có giá trị kinh tế cao phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, quả tập trung, quy mô lớn tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; đã hình thành một số vùng sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP, các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Qua đây góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết và sâu bệnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung tăng cường công tác tổ chức sản xuất và bảo vệ thực vật. Theo đó, hng năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng kế hoạch khung lịch thời vụ để các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. Đồng thời, trước mỗi vụ sản xuất, ngành cũng xây dựng phương án chi tiết về cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ và dự báo tình hình sâu bệnh. Trong quá trình sản xuất, các cán bộ, kỹ sư của ngành sẽ bám sát đồng ruộng để kịp thời có những đánh giá và phương án xử lý sâu bệnh hại. Thực hiện quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhằm bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm cho nông sản, góp phần quan trọng ngăn ngừa tác hại của sâu bệnh trực tiếp gây ra cho cây trồng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ sẽ được đẩy mạnh thực hiện.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hướng tới xây dựng vùng trồng trọt hàng hóa tập trung để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Đức Thiện