Cập nhật: 29/04/2025 20:24:00
Xem cỡ chữ

Kiên trì quan điểm: phát triển công nghiệp là nền tảng, từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục, từ một tỉnh thuần nông đã trở thành địa phương có nền công nghiệp phát triển, trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, điện tử của vùng và cả nước. Trong các giai đoạn phát triển, tỉnh luôn quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đối với một địa phương có nền kinh tế năng động như Vĩnh Phúc.

Thực trạng lao động việc làm

Đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc có trên 600.000 lao động có việc làm, chiếm 98,4% lực lượng lao động, trong đó, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,6%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,8% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 40,7%. Có trên 250.000 lao động làm việc tại hơn 8.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 54,5% lao động trong các khu công nghiệp, 1,7% lao động là người nước ngoài và 31,5% lao động là người ngoại tỉnh. Hiện nay, có trên 1.900 lao động làm việc tại 11 doanh nghiệp Nhà nước; hơn 103.700 lao động làm việc tại hơn 8.100 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 144.000 lao động làm việc tại 392 doanh nghiệp FDI.

Có trên 10.400 lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy với 21% lao động qua đào tạo; hơn 10.800 lao động làm việc trong các doanh nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy với 36,6% lao động qua đào tạo; 67.900 lao động làm việc trong các doanh nghiệp điện tử với 10% lao động qua đào tạo và 54.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp dệt may, da giày với 13% lao động qua đào tạo.

Chất lượng lao động không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 81%. Về trình độ đào tạo, có 2,7% lao động có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng, 2,6% lao động có trình độ sơ cấp nghề; 4,9% lao động có trình độ trung cấp nghề, 5,2% lao động có trình độ cao đẳng và 6,9% có trình độ đại học trở lên.

Tiền lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp đạt trên 7,3 triệu đồng/người/tháng, trong đó doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 7,5 triệu đồng; doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt hơn 6,6 triệu đồng và doanh nghiệp FDI đạt trên 7,9 triệu đồng. Thu nhập bình quân người lao động trong doanh nghiệp đạt gần 11 triệu đồng/người/tháng.

Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm tới công tác giải quyết việc làm. Riêng năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 23.000 lao động, trong đó có gần 21.700 lao động trong nước và 1.384 lao động xuất khẩu, vượt 35% kế hoạch. Các nhóm ngành sản xuất linh kiện điện tử, dệt may, da giày, sản xuất phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho xe ô tô, xe máy chiếm tỉ lệ lớn trong số doanh nghiệp tuyển lao động.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cung ứng lao động

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 5 Trường cao đẳng nghề, 3 Trường trung cấp nghề, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 7 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 2 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 3 Trường Đại học. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, Vĩnh Phúc đã tổ chức, sắp xếp lại Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc; sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Năm 2024, toàn tỉnh đào tạo nghề cho gần 28.000 người, trong đó trình độ đại học và trên đại học 248 người; cao đẳng 2.100 người với 352 lao động được đào tạo nghề chất lượng cao; đào tạo trình độ trung cấp nghề cho trên 8.300 người, sơ cấp nghề cho trên 17.000 người. Các nhóm ngành đào tạo chủ yếu gồm: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, quản trị máy tính; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Qua khảo sát tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, có trên 80% học sinh, sinh viên đã tìm kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hàng năm tổ chức hơn 30 phiên giao dịch việc làm với hơn 200 doanh nghiệp tham gia, số lao động tuyển tại sàn khoảng 1.200 lao động/năm. Hiện nay, có 7 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh, 12 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động với số lao động cung ứng bình quân hàng năm gần 10.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông làm các công việc giản đơn thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, vật liệu xây dựng, chiếm gần 80% nhu cầu tuyển dụng. Hoạt động của Sàn giao dịch việc làm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và kết quả cung ứng lao động qua các doanh nghiệp được cấp phép cung ứng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Các đơn vị cung ứng lao động và hoạt động dịch vụ việc làm còn hoạt động đơn lẻ, chưa có sự kết nối trong quá trình tạo nguồn, tuyển chọn, cung ứng lao động cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ

Hoạt động cung ứng lao động, kết nối cung cầu lao động, tạo nguồn chưa đạt hiệu quả cao, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Doanh nghiệp thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về tuyển chọn, đào tạo lao động, nhu cầu tuyển lao động cần gấp và trong thời gian ngắn để thực hiện các đơn hàng. Sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng lớn. Các thiết chế về nhà ở xã hội, xe buýt, xe đưa đón công nhân, trường mẫu giáo, hoạt động giải trí, văn hóa tinh thần và dịch vụ thiết yếu khác của tỉnh và chế độ, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp đã có nhưng chưa thực sự hấp dẫn để thu hút, giữ chân người lao động.

Công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm triển khai nhưng chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường và hướng tới nhu cầu của thị trường. Sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp cung ứng lao động, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Nhân lực qua đào tạo nghề còn một bộ phận chưa làm việc đúng ngành nghề được đào tạo; chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng lao động cũng như thị trường lao động. Các kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của người lao động còn hạn chế. Một số ngành nghề mới như: trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, logicstic chưa xây dựng bổ sung vào các chương trình đào tạo tại nhà trường hoặc chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu thực hành, thực tập tay nghề của người học, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đào tạo của chương trình chất lượng cao.

Vĩnh Phúc nằm gần các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và Bắc Ninh, Thái Nguyên, nơi có mức lương và phúc lợi tốt hơn do đó lao động phổ thông và kỹ thuật viên, có xu hướng di chuyển sang các tỉnh này làm giảm lực lượng lao động cung ứng cho tỉnh.

Dự báo tình hình lao động việc làm

Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo cũng như nhân lực kỹ thuật cao sẽ ngày càng tăng do định hướng thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đối với các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu về điện tử, sản xuất ô tô, xe máy; công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến tuyển dụng gần 2,2 vạn lao động, tập trung vào một số nhóm ngành chính, gồm: Điện tử, thiết bị điện; dệt may, da giày; cơ khí, sản xuất kim loại, trong đó, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhu cầu tuyển dụng gần 1 vạn lao động trong năm 2025.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết để tạo lập và nâng cao hiệu quả việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động qua đào tạo; liên kết đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thiện và đi vào hoạt động, các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, áp dụng khoa học kỹ thuật, ưu tiên sử dụng máy móc tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm nhân công làm các công việc giản đơn. Sự cạnh tranh về lao động trên thị trường lao động ngày càng quyết liệt, từ đó nguy cơ mất việc làm, thiếu việc làm đối với lao động giản đơn hoặc lao động làm việc không đúng chuyên môn ngày càng cao.

Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Để thực hiện tốt hơn các chính sách về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, cần có sự phối hợp chặt trẽ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp; giữa cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp cung ứng lao động và doanh nghiệp sản xuất, trong đó quan tâm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; đổi mới xúc tiến đầu tư hướng đến các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cho hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội, xây dựng và đưa vào sử dụng các thiết chế công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp và đảm bảo các chế độ phúc lợi xã hội cho công nhân, lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động tham mưu cho tỉnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường về một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; tập trung đổi mới chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; theo đặt hàng của doanh nghiệp cũng như tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo, ký cam kết đào tạo với doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp cung ứng lao động cần đảm bảo chất lượng nguồn lao động, số lượng lao động, nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng tìm kiếm việc làm, tạo điều kiện cho lao động tiếp cận doanh nghiệp đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, lựa chọn, đặt hàng đào tạo, tuyển dụng theo nhu cầu.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch tuyển dụng và kết nối thông tin để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, quan tâm đảm bảo các chế độ tiền lương, thưởng và đãi ngộ, phúc lợi xã hội để giữ chân người lao động và để họ yên tâm gắn bó, cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ta và được tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, đề án cụ thể nhằm đảm bảo tăng trưởng 2 con số với nền tảng từ nguồn nhân lực chất lượng cao để Vĩnh Phúc tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ngọc Anh