Cập nhật: 16/12/2010 00:28:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 15.12, Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XIV bước sang ngày làm việc thứ 2. Các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường. Đồng chí: Nguyễn Văn Chức - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục nghe các Báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: Ban hành chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị theo Thông tư 97/2010 của Bộ Tài chính; Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết cấp bù miễn thuỷ lợi phí và hỗ trợ phí dịch vụ thuỷ lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Tờ trình đề nghị phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015; Tờ trình đề nghị kéo dài thời gian thực hiện phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận một cửa các cấp, về quyết định tổng biên chế sự nghiệp năm 2011. Theo tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết cấp bù miễn thuỷ lợi phí và hỗ trợ phí dịch vụ thuỷ lợi nội đồng, cùng với miễn thuỷ lợi phí, tỉnh ta hỗ trợ 100% phí dịch vụ thuỷ lợi nội đồng cho sản xuất, trồng trọt trên địa bàn tỉnh, không hỗ trợ phí dịch vụ thuỷ lợi nội đồng đối với sản xuất không phải trồng trọt như nuôi trồng thuỷ sản, diện tích 1 lúa 1 cá,..Theo tính toán của UBND tỉnh, tổng kinh phí hỗ trợ phí dịch vụ thuỷ lợi nội đồng hàng năm khoảng 20 tỷ đồng. Đối với tờ trình đề nghị phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015: hàng năm cấp tỉnh trích ngân sách 5 tỷ đồng, cấp huyện 200 triệu đồng và cấp xã 20 triệu đồng phục vụ cho thực hiện các mục tiêu của chương trình hành động vì trẻ em. Qua đó, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất.

 

Kỳ họp nghe đồng chí Pham Bá Sang_ Phó chủ tịch HĐND tỉnh trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát năm 2010 và kế hoạch giám sát năm 2011 của HĐND tỉnh. Theo đó, năm 2010, thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức 16 cuộc giám sát trên các lĩnh vực Kinh tế, ngân sách; Văn hóa, xã hội và lĩnh vực Pháp chế. Hoạt động giám sát tiếp tục có nhiều đổi mới, nội dung giám sát đi sâu vào những vấn đề cụ thể, được cử tri trong tỉnh và xã hội quan tâm. Sau giám sát có thông báo kết quả giám sát đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế tồn tại, những khó khăn, vướng mắc; Đồng thời đưa ra các kiến nghị, yêu cầu cụ thể để các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp thu, khắc phục. Kết luận giám sát đã giúp các Ban HĐND tỉnh có thêm cơ sở để thẩm tra các nội dung kỳ họp HĐND tỉnh và cung cấp những thông tin quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh có thêm cơ sở thảo luận và thực hiện quyền của đại biểu tại kỳ họp. Kế hoạch giám sát năm 2011, HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới các hoạt động giám sát. Tập trung giám sát việc thực thi pháp luật và các chính sách của Nhà nước; việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh và những vấn đề bức xúc mà cư tri quan tâm. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện kết luận giám sát.

 

Kỳ họp nghe đồng chí Đặng Quang Hồng - Thường vụ Tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa 14. Các ý kiến cử tri trong tỉnh kiến nghị được UBND tỉnh tổng hợp đầy đủ và giải trình cụ thể, chi tiết. Có tổng số gần 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương trong tỉnh tập trung vào nhiều vấn đề lớn: Nông nghiệp, nông thôn; Giao thông, xây dựng, công nghiệp, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng; Văn hoá, Y tế, Giáo dục, chính sách xã hội. UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các huyện, thành, thị tập trung sớm giải quyết dứt điểm, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh.

 

Trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào buổi chiều, kỳ họp dành phần lớn thời gian thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các Báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Các ý kiến thảo luận đều cơ bản đồng tình cao với các Báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh; Báo cáo các thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Đặc biệt, Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, thu chi ngân sách của tỉnh năm 2010, nhiệm vụ năm 2011 đánh giá khá đầy đủ, chi tiết và sát với điều kiện thực tế của địa.

 

Các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm phát triển các doanh nghiệp trong nước, có cơ chế đầu tư khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển. Về nông nghiệp, tỉnh khắc phục tình trạng bỏ ruộng của nông dân, đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách đầu tư cho nông nghiệp đảm bảo phát triển bền vững. Đầu tư cho nông dân mạnh dạn đưa cơ khí hoá vào trong sản xuất nông nghiệp. Về văn hoá, vấn đề cưới xin ở một số địa phương tình trạng ăn uống linh đình gây lãng phí, tốn kém, đề nghị cấp huyện can thiệp kịp thời, hạn chế tình trạng trên. Về Y tế, tỉnh có đầu tư thoả đáng để khắc phục tình trạng quá tải ở các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Về giáo dục, ngành Giáo dục – đào tạo tỉnh cần quan tâm ý thức đạo đức học sinh, hạn chế tình trạng học sinh đánh nhau, học sinh vi phạm an toàn giao thông. Về an ninh, khắc phục tình trạng trộm cướp dọc đường, trộm cắp diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Tăng tần xuất các tuyến xe Buýt phục vụ nhân dân, cần xã hội hoá đầu tư cho xe Buýt, khắc phục thái độ phục vụ chưa tốt của đội ngũ  nhân viên trên các xe Buýt. Tỉnh đặc biệt  quan tâm vấn đề môi trường ở nông thôn, có chính sách động viên kịp thời cá nhân làm tốt công tác này. Năm qua tình trạng cắt điện luân phiên ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Đề nghị ngành Điện có giải pháp hiệu quả, tránh tình trạng cắt điện luân phiên, cắt điện triền miên. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cần có đánh giá cụ thể việc thực hiện các Nghị quyết đã ban hành; tăng cường giám sát, hướng dẫn kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các Nghị quyết. Ngày 16/12, kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khoá XIV tiếp tục làm việc.

 

 

Lê Minh

 

  

Tệp đính kèm