Sáng ngày 10 tháng 8, Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn giám sát Ủy ban tài chính - Ngân sách Quốc Hội do đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thực hiện giám sát với Bộ giao thông vận tải và 5 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai về tình hình thực hiện Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự có đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí Phạm Văn Vọng - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy - Chủ Tịch HDND tỉnh; đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Trường - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Trì - Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy - Phó chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành, các huyện, thị có liên quan. Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Chính Phủ xác định là một trong những tuyến đường quan trọng nối phía đông hành lang kinh tế phía Bắc tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng, nối Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với Hà Nội, Hải Phòng và Cảng Cái Lân của Việt Nam. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa phận của 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai với tổng chiều dài tuyến là 264 km. Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Từ khi triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ tháng 1/2008, các tỉnh và thành phố Hầ Nội đã tích cực tham gia, triển khai quyết liệt, đã bàn giao cho chủ dự án mặt bằng để tiến hành thi công. Đến nay, 5 tỉnh, thành đã bàn giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đạt 98,1% khối lượng trên toàn tuyến và còn vướng mắc 4,66km. Công tác giải ngân giải phóng mặt bằng tính đến ngày 31/7, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã chuyển cho các địa phương để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư là trên 2 nghìn tỷ đồng. Dự án được khởi công từ 1/7/2009, đến nay, 8/8 gói thầu xây lắp chính đều được triển khai thi công; giá trị sản lượng xây lắp toàn dự án đạt gần 34%. Nhìn chung tiến độ triển khai thi công các gói thầu đều chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được cho là do công tác đấu thầu kéo dài, vướng mắc mặt bằng, thời tiết trong năm 2011 và năm 2012 mưa nhiều ảnh hưởng đến quá trình thi công, giá cả nguyên vật liệu biến động. Bên cạnh đó, năng lực thi công, năng lực tài chính của các nhà thầu, nhất là các nhà thầu phụ còn hạn chế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Đại diện 5 tỉnh, thành báo cáo với Đoàn giám sát, sở dĩ công tác giải phóng hiện nay còn vướng mắc là do chính sách đền bù đất thay đổi đã làm công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Như ở tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong những tỉnh bàn giao sớm nhất về mặt bằng cho đơn vị thi công nhưng các nhà thầu không thi công ngay. Đến khi chính sách đền bù đất thay đổi, những người đã nhận đền bù trước đây nay đòi hỏi thêm. Khi không được đáp ứng do không đúng luật, họ đã cản trở các đơn vị trong quá trình thi công. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Vấn đề còn lại là các nhà thầu phải tập trung nhân lực, phương tiện thi công trong trong thời gian nhanh nhất. Sau khi đi kiểm tra thực tế và nghe các đơn vị báo cáo, các thành viên trong Đoàn giám sát cho rằng Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thi cộng chậm là do trách nhiệm của nhà thầu thi công và chính quyền địa phương trong khâu giải phóng mặt bằng. Cần kiểm điểm lại các gói thầu thi công chậm. Một phần nữa là do chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi. Các đại biểu nhấn mạnh, vấn đề giám sát chất lượng công trình chưa được chú trọng, nếu giám sát không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sau này. Các nhà thầu phải cam kết thời gian thi công, nếu chính quyền địa phương bảo vệ thi công trong thời gian cam kết mà không thi công xong , nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tháo gỡ về vốn nhằm thúc đẩy thi công.
Trả lời các ý kiến của các đại biểu, đồng chí Đinh La Thăng- Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải - Chủ đầu tư Dự án đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về tiến độ chậm của Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tuy nhiên, Bộ giao thông vận tải cam kết đảm bảo hoàn thành dự án và chất lượng công trình đúng theo kế hoạch đã đề ra. Vấn đề còn lại, Bộ giao thông vận tải kiến nghị, chậm nhất đến ngày 2/9/2012 các địa phương phải bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công và các địa phương phải bố trí các mỏ vật liệu đất, đá trong tháng 8 đủ cho các đơn vị thi công. Bộ giao thông vận tải cũng đã lập kế hoạch chi tiết tiến độ từng gói thầu, đưa ra các kế hoạch cụ thể và giao cho 1 đồng chí thứ trưởng thường trực xử lý tất cả các vấn đề liên quan. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách Quốc hội: nhấn mạnh, đây là dự án hết sức quan trọng, là tuyến đường cao tốc đầu tiên có chiều dài và quy mô lớn nhất Việt Nam. Nếu việc thi công chậm sẽ có nhiều ảnh hưởng, lãng phí thời gian, vốn vay và sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có tuyến đường đi qua. Qua kiểm tra, giám sát thực tế, Đoàn cho rằng có 7 nguyên nhân chính dẫn đến dự án chậm tiến độ đó là: lần đầu tiên Việt Nam thi công đường cao tốc dài nhất, lớn nhất, đi qua địa hình hết sức phúc tạp và do thời tiết không thuận lợi; trong quá trình thi công một số cơ chế chính sách thay đổi; Vốn ban đầu bố trí chậm; Vần đề giải phóng mặt bằng chậm làm cản trở thi công; năng lực nhà thầu, nhất là nhà thầu phụ còn hạn chế; sự phối hợp giữachủ đầu tư với các địa phương, nhà thầu chưa tốt. Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ giao thông vận tải và trách nhiệm một phần từ các địa phương
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của các thành viên, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Đoàn đề nghị Quốc hội nên có chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; Kiến nghị Chính phủ phải đảm bảo vốn để thi công, làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư, trách nhiệm của các tỉnh, kiến nghị Chính phủ sau 1/10 nếu không có mặt bằng phải quy trách nhiệm chính quyền các cấp./.
Lỗ Hiếu