Sáng 24/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; triển khai, quán triệt việc xây dựng báo cáo kiểm điểm phê bình và tự phê bình đối với các tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng.
Đồng chí Phạm Văn Vọng - Ủy viên T. Ư Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phùng Quang Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy -Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Trường - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Phó chủ tịch HĐND, UBND; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở ban ngành của tỉnh.
Sau 15 năm tái lập, nền kinh tế của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhất là trong thời kỳ hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng có vai trò quan trọng, là bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế của tỉnh, góp phần to lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho Nhà nước, là tiền đề thực hiện thắng lợi tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Vì vậy, Đề án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đến năm 2020 là cần thiết, đồng thời là cơ sở để xây dựng Nghị quyết của tỉnh ủy về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020. Theo báo cáo, hiện nay tỉnh ta có trên 5 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 4900 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đăng ký kinh doanh, có trên 3200 doanh nghiệp là công ty TNHH, hơn 1100 doanh nghiệp cổ phần, 561 doanh nghiệp dân doanh. Nếu so sánh trong vùng đồng bằng Sông Hồng, số doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đứng trên 2 tỉnh là Hưng Yên và Hà Nam. Nếu so sánh với cả nước, số doanh nghiệp của Vĩnh Phúc tăng nhanh hơn nhưng vẫn còn thấp hơn so với tiềm năng. Nguyên nhân được cho là hoạt động sản xuất các nghề truyền thống không phát triển, hoạt động thương mại của tỉnh còn thấp, tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ còn chậm. Mặc dù trong thời gian qua, tỉnh ta cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, song kết quả chưa được như mong đợi. Chính vì vậy, cần sớm xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế xã hội tỉnh, sớm hoàn thành các mục tiêu, chương trình nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Đề án đã xác định, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ là chiến lược lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, là nền tảng đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Vĩnh phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020; Tạo bước đột phá về chính sáh, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; phát triển doanh nghiệp chính là đảm bảo an sinh xã hội, gắn với mục tiêu, chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, ưu tiên phát triển trở thành các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và thu hẹp dần khoảng cách giữ thành thị và nông thôn, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh ta có trên 6.600 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong nền kinh tế. Đến năm 2020, con số này được nâng lên 9.500 doanh nghiệp. Đầu tư khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm từ 20 – 25% tổng vốn đầu tư của tỉnh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp từ 10 – 15% tổng thu ngân sách của tỉnh và tạo thêm từ 60 – 70 ngàn việc làm mới.
Góp ý kiến vào Đề án, các đại biểu đề nghị đều đồng tình với sự cần thiết phải ban hành đề án và các nội dung. Để Đề án đi sát với thực tê, các đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn thực trạng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hiện nay, có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp như thế nào. Trong Đề án cần có sự so sánh, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tỉnh với cả nước và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, phân loại các doanh nghiệp theo cơ cấu ngành, xác định các sản phẩm mũi nhọn, đặc biệt là mũi nhọn ảnh hưởng đến khu vực, mang đặc trưng của Vĩnh Phúc. Tích cực nâng cao trình độ, sự năng động và tư duy đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Có sự thống nhất về quản lý hỗ trợ doanh nghiệp từ tỉnh đến các xã, phường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các doanh nghiệp để tăng tính khả thi của Đề án. Có giải pháp đột phá để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn. Tính toán, cân nhắc lại mục tiêu đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nay đến 2020. Về các giải pháp cần thêm giải pháp hướng dẫn, trợ giúp các doanh nghiệp; hàng năm rà soát, công bố diện tích đất sạch để cho các doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng trong sản xuất kinh doanh; làm mới, đa dạng các nguồn tín dụng. Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xác định rõ hướng trợ giúp cho hiệu quả…
Kết luận nội dung này, đồng chí Phạm Văn Vọng - Ủy viên Trung Ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HDND tỉnh đồng tình với ý kiến của các đại biểu sớm ban hành Đề án và Ban thường vụ tỉnh ủy cũng sẽ có Nghị quyết về vấn đề này. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành nhìn nhận, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu kém trong thời gian qua, từ đó quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời. Chỉ đạo, rà soát, xây dựng lại hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến những chính sách phát triển, thành lập doanh nghiệp là thế mạnh của tỉnh. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đến sự phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề nghị ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại nội dung cho phù hợp, hoàn thành đề án, soạn thảo nghị quyết trình Tỉnh ủy thông qua trong thời gian tới.
Lỗ Hiếu