Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của một loạt nhân tố dân tộc và thời đại, là đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuối tháng 9-1953, trước tình hình địch ráo riết triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn nhiệm vụ quân sự Đông-Xuân 1953-1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và các nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng.
Trong lúc ta đang tích cực chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, ngày 15-10-1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Hải Âu, đánh ra Tây nam Ninh Bình. Trong tình thế đó, Đảng ta vừa chỉ đạo lực lượng võ trang tổ chức chiến dịch tiến công đập tan cuộc hành quân của địch, vừa tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đã định, đưa bộ đội chủ lực tiến quân lên Tây bắc và tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với bạn theo kế hoạch đã định. Động thái này khiến Na-va phải điều lực lượng cơ động sang Trung Lào, đồng thời tăng cường lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ. Tháng 11-1953, địch mở cuộc hành quân Ca-xto, đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3-12-1953, Na-va quyết định chấp thuận giao chiến tại Điện Biên Phủ.
Ngày 6-12-1953, 16 ngày sau khi địch mở chiến dịch Ca-xto, Bộ Chính trị họp khẩn cấp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Như vậy, từ chủ trương chọn nơi địch sơ hở mà đánh đến quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất (Điện Biên Phủ) mà đánh là một chủ trương kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời; là quyết tâm rất lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhằm tạo thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên 5 hướng chiến trường Đông Dương khiến địch tiêu hao sinh lực, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va ở Đồng bằng Bắc bộ, còn ta giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn. Đồng thời với các đòn tiến công này, ở chiến trường Trung du, Đồng bằng Bắc bộ, Bình-Trị-Thiên, Nam Trung bộ và Nam bộ, quân và dân ta tăng cường tiến công địch, làm cho địch thêm lún sâu vào thế bị động, đối phó ở khắp mọi chiến trường.
Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi diễn biến trên khắp chiến trường và có những quyết định kịp thời nhằm biến quyết tâm chiến lược đó thành hiện thực. Khi quân Pháp mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (tháng 11-1953), ta chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh". Thế nhưng đến cuối tháng 1-1954, trong quá trình triển khai chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nhận thấy tình hình địch đã thay đổi, lực lượng của chúng được tăng cường, hệ thống phòng ngự được củng cố, phương châm tác chiến này không bảo đảm chắc thắng, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và được Bộ Chính trị nhất trí. Đây là sự chuyển hướng phù hợp với tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh là "đánh chắc thắng".
Theo dõi chiến trường và có những chỉ đạo chính xác, toàn diện, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những chỉ đạo sát sao, hiệu quả đối với hậu phương, phục vụ tiền tuyến. Ngày 8-2-1954, Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ của Đảng ủy các cấp "cần phải nhận rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này…
"Trước và trong chiến dịch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn liên tục viết thư, gửi điện động viên, khích lệ kịp thời bộ đội ta ở chiến trường. Ngày 11-3-1954, trước ngày ta nổ súng, Bác viết thư động viên và căn dặn cán bộ, chiến sỹ "Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang". Hai ngày sau nổ súng tiến công Him Lam, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện viết "Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này".
Sau hai đợt tiến công ở Điện Biên Phủ, ta đã giành được nhiều thắng lợi rất lớn và rất quan trọng, tuy nhiên vào cuối đợt hai, do thời gian tác chiến diễn ra đã hơn 1 tháng, sức lực và tinh thần ở một số đơn vị và cá nhân có dấu hiệu suy giảm. Trước tình hình đó, một mặt kịp thời khắc phục điểm yếu này, mặt khác Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng cả nước phối hợp hoạt động với mặt trận Điện Biên Phủ. Cùng ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra hai nghị quyết: một chỉ đạo Điện Biên Phủ tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh chắc, thắng chắc"; một chỉ đạo chiến trường trong cả nước tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh nhỏ, ăn chắc". Tiếp đó, ngày 21-4, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng cần nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó nhấn mạnh "kiểm tra đôn đốc thật nghiêm túc, chặt chẽ việc tổ chức, động viên nhân lực, vật lực, sửa chữa kịp thời tình trạng tổ chức không hợp lý, tác phong đại khái, qua loa và lãng phí nhân lực, vật lực và thời gian". Sự chỉ đạo kịp thời, đúng và trúng này một mặt kịp thời khắc phục những khuynh hướng bất lợi, mặt khác tạo lập sức mạnh tổng lực hướng về Điện Biên Phủ.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kịp thời đưa ra những nhận định chính xác về tình hình chiến dịch, là cơ sở cho quyết định chiến trường của quân đội ta. Trong thư gửi Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 21-4-1954, Ban Bí thư truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị, lưu ý âm mưu và hành động chống đỡ của địch ở khu trung tâm, dùng trọng pháo và máy bay đánh phá trận địa của ta, phá hoại đường tiếp tế hòng cố giữ đến mùa mưa. Từ nhận định như vậy, quân ta quyết tâm phá tan âm mưu của địch, đánh thắng trước mùa mưa. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ngày 7-5-1954, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Theo Báo Hà Nội Mới