Cập nhật: 03/10/2009 06:14:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị ảnh hưởng bão 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng

Theo thống kê mới nhất từ Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTW), bão số 9 đã làm 99 thiệt mạng, 14 người mất tích, 252 người bị thương; hơn 17.000 nhà bị sập, trôi; hơn 30.000 ha lúa bị ngập, đổ...

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cùng với thuốc khử trùng nước, thuốc khử trùng môi trường.

Bão số 9 là cơn bão mạnh, kèm theo mưa cường độ cao đã gây ra thiệt hại lớn cho nhân dân miền Trung. Tính tới nay đã có  99 người chết (Hà Tĩnh: 5; Quảng Bình: 1; Quảng Trị: 9; TT. Huế: 9; Đà Nẵng: 4; Quảng Nam: 9; Quảng Ngãi: 27; Bình Định: 6; Phú Yên: 1; Kon Tum: 21; Đắk Lắc: 1; Đắc Nông: 2; Lâm Đồng: 2; Gia Lai: 2). Cùng với đó 14 người mất tích và 252 người bị thương.

Mưa to, gió lớn đã có  17.302 nhà bị sập, trôi; nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng: 201.167 nhà; nhà bị ngập: 169.180 nhà..Thiệt hại về nông nghiệp: lúa bị ngập, đổ: 30.047 ha; ngô, mía bị ngập: 9.552 ha; hoa màu các loại bị ngập, hư hại: 24.884 ha; diện tích cây công nghiệp hư hại: 20.090 ha.

 Ngày 01/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại của các tỉnh miền Trung, chiều 01/10 Thủ tướng đã có cuộc họp với đoàn công tác của Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cùng với các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão tại Quảng Nam để chỉ đạo công tác triển khai khắc phục hậu quả của bão.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh bị thiệt hại 10.000 tấn gạo, 460 tỷ đồng cùng với thuốc khử trùng nước, thuốc khử trùng môi trường.

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn và Bộ Quốc phòng đã sử dụng 4 máy bay trực thăng chuyên chở 10,3 tấn hàng hoá đến các khu vực bị cô lập tại Tam Kỳ, Đại Lộc, Quảng Nam và làng Phí, xã Xê Xan, huyện Gia Đao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia. Đêm 30/9 đã điều trang thiết bị và cán bộ chiến sỹ để khắc phục sự cố cầu đường bộ tại km 24, quốc lộ 24, tỉnh Kon Tum, đến 13h ngày 01/10 đã thông cầu. Quân đoàn 3 cùng với lực lượng biên phòng đã điều động cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện đưa 527 người dân Campuchia đến nơi an toàn.

Hiện các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bộ đội, các lực lượng đóng trên địa bàn tiếp tục nỗ lực đến mức cao nhất tổ chức tìm kiếm người mất tích, khôi phục các tuyến giao thông, thông tin liên lạc tới những vùng bị chia cắt. Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có người chết, người bị thương, bị mất nhà cửa; tu sửa trường học, trung tâm y tế, trạm xá, trạm cấp nước, đường giao thông, cầu, cống, công trình thủy lợi, hệ thống thông tin liên lạc, hướng dẫn phân luồng giao thông, tổ chức canh gác, trực tại những điểm bị sạt lở, thu gom rác, xử lý vệ sinh, môi trường, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

* Tỉnh Quảng Trị: đã tổ chức 7 đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh và thường trực Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh chỉ đạo các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng, Hội chữ thập đỏ, đồng thời huy động 8 ca nô, 1 thuyền lớn để đưa dân từ nơi sơ tán trở về nhà an toàn. Tỉnh  cũng đã cấp 8.000 thùng mì ăn liền, 50 cơ số thuốc và 500 kg hoá chấ xử lý nước sinh hoạt về 9 huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ nhân dân.

* Tỉnh Thừa Thiên  - Huế: Tổng thiệt hại do bão số 09 gây ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến ngày 01/10 ước khoảng 343 tỷ đồng. UBND tỉnh đã xuất 90 tấn mỳ tôm dự trữ hỗ trợ 8 huyện và thành phố Huế, mỗi đơn vị 10 tấn. Các huyện, thành phố phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm “nước xuống đến đâu, làm vệ sinh đến đó”.

Điện lực tỉnh đã khắc phục sự cố, ưu tiên cấp điện cho nhà máy nước Dã Viên trong sáng 30/9 để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Đến 20h ngày 30/9 ngành điện đã khắc phục sự cố và cấp điện trở lại cho 70% phụ tải trọng yếu trên địa bàn tỉnh với công suất khoảng 50MW.

* Tỉnh Quảng Nam: đã tổ chức cho nhân dân về lại nơi cư trú ban đầu đảm bảo an toàn; tổ chức cứu chữa người bị thương, chôn cất người bị chết; tập trung sửa chữa, dựng lại nhà cửa, trường học, trạm xá, các cơ sở hạ tầng kinh tế bị hư hỏng; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, sớm ổn định tình hình đời sống cho nhân dân.

* Tỉnh Quảng Ngãi:  Ước tính tổng giá trị thiệt hại ban đầu do bão lũ gây ra đối với Quảng Ngãi ước tính hơn 4.500 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả bão gây ra, tỉnh này đã quyết định hoãn toàn bộ các cuộc họp chưa cấp thiết đến 4/10 để tập trung phòng chống và khắc phục bão lũ. Đồng thời phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp tại các huyện, thành phố. Tổng huy động các lực lượng hỗ trợ giúp dân khắc phục nhà cửa, trường học bị hư hại, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh quyết định xuất 10 tỷ đồng kinh phí dự phòng năm 2009 còn lại của tỉnh để phân bổ cho các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục về dân sinh. Và cấp hỗ trợ trực tiếp hơn 11.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân vùng bị ngập nước và bị cô lập.

 

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tệp đính kèm