Các lực lượng vũ trang Mỹ và Nhật Bản tiếp tục các cuộc tập trận, đã bắt đầu từ ngày 10/12, với sự tham gia của 40.000 quân, và dường như nhằm vào Trung Quốc.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc điện đàm trao đổi về một loạt vấn đề quốc tế cũng như quan hệ song phương, đã nhấn mạnh đến sự căng thẳng tăng lên giữa hai nước sau cuộc đụng độ quân sự tháng trước giữa hai miền Triều Tiên.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chỉ đưa ra sự mô tả một chiều về cuộc điện đàm, nhấn mạnh rằng ông Obama đã lên án việc Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong và yêu cầu Bình Nhưỡng "chấm dứt hành vi khiêu khích của mình". Tổng thống Obama đã thúc giục Trung Quốc hợp tác với Mỹ và các nước khác để gửi tới Triều Tiên một thông điệp rõ ràng rằng những khiêu khích của nước này là không chấp nhận được, đồng thời nêu bật cam kết của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh trong khu vực. Về phần mình, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo thẳng thắn rằng "nếu không được xử lý một cách thích hợp, căng thẳng sẽ gia tăng trên bán đảo Triều Tiên hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát, không có lợi cho bất kỳ bên nào". Ông Hồ Cẩm Đào cũng nói với ông Obama rằng Trung Quốc đặc biệt quan ngại về tình hình trong khu vực
Một loạt cuộc tập trận quân sự trong khu vực đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, cũng như giữa Washington và Bắc Kinh. Các lực lượng vũ trang Mỹ và Nhật Bản tiếp tục các cuộc tập trận, đã bắt đầu từ ngày 10/12, với sự tham gia của 40.000 quân, và dường như nhằm vào Trung Quốc. Cũng có tin cho biết Tokyo đang chuẩn bị công bố một kế hoạch tái vũ trang mới nhằm chống Trung Quốc và Triều Tiên, trong đó có những đề xuất mở rộng hạm đội tàu ngầm và tăng số lượng máy bay chiến đấu. Hiến pháp của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II không cho phép duy trì quân đội, nhưng trong 5 năm qua, Tokyo đã đưa ra một loạt thay đổi về hiến pháp và hành chính để mở đường cho việc tăng cường sức mạnh cho các lực lượng phòng vệ của nước này.
Bắc Kinh đang lên án các cuộc tập trận quân sự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo rằng "việc phô trương vũ lực không thể giải quyết vấn đề. Một số người đang vung gươm, trong khi Trung Quốc lại bị chỉ trích vì kêu gọi đối thoại. Liệu điều đó có công bằng?". Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp các trưởng đoàn đàm phán sáu bên tại Bắc Kinh. Nhưng các chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều bác bỏ đề xuất này và khẳng định chỉ tổ chức đàm phán sau khi Triều Tiên đã có những nhượng bộ. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington để lên án "các cuộc tấn công khiêu khích của Triều Tiên". Tại cuộc gặp này dường như đã xuất hiện một khối chống Trung Quốc. Điều này đi kèm với những lời lẽ chống Bắc Kinh của các quan chức ngoại giao Mỹ. Theo bình luận của báo "Washington Post", những cáo buộc chống Bắc Kinh đánh dấu sự xấu đi trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc phải chịu một phần trách nhiệm trong những việc xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, tờ "Nhân dân Nhật báo" của Trung Quốc đã chỉ ra chiều hướng xấu đi trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trong bài bình luận với tiêu đề "Cách thức Trung Quốc nên xử lý đối với việc Mỹ quay trở lại châu Á?". Bắt đầu bằng việc đề cập đến sự xuất hiện mới đây của tàu sân bay Mỹ tại Hoàng Hải, bài bình luận chỉ ra nỗ lực của Washington nhằm "thực thi các lệnh trừng phạt, hạn chế và ngăn chặn Trung Quốc". Báo này cũng cho rằng Trung Quốc có thể điều chỉnh chính sách "phát triển hòa bình và hợp tác quốc tế" vào lúc thích hợp theo ý mình.
Theo Báo điện tử Pháp luật & Xã hội