Cập nhật: 27/04/2012 16:40:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Pháp đang thảo luận với các cường quốc về khả năng viện dẫn chương 7 Hiến chương Liên Hợp Quốc cho phép dùng biện pháp quân sự tại Syria. 

Cuộc khủng hoảng tại Syria đang gióng lên hồi chuông báo động nguy cấp khi Pháp không ngần ngại đưa ra phương án quân sự và đưa ra “tối hậu thư” để giải quyết tình trạng bạo lực tại nước này.

 

Ngày 25/4, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe chỉ trích Kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Annan được thực hiện chậm trễ và ngỏ ý cộng đồng quốc tế cần tìm một giải pháp khác. Nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp không ngần ngại tuyên bố, giải pháp khác đó có thể là biện pháp quân sự. 

 

Ông Juppe tuyên bố, Pháp muốn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét việc ủy thác cho một hành động quân sự tại Syria nếu Kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Annan thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực.

 

Sau cuộc gặp với các thành viên đối lập Syria tại Paris, ông Juppe nói: “Nếu kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên Annan làm trung gian không phát huy tác dụng, thì chúng ta không thể tiếp tục cho phép Chính quyền Syria phớt lờ. Chính quyền Syria đã không tôn trọng bất kì điều nào trong 6 điểm của kế hoạch do Đặc phái viên Annan đưa ra. Chúng ta cần chuyển sang một giai đoạn mới”.

 

Bình luận này của ông Juppe rõ ràng phát đi tín hiệu: Pháp đang tiến gần hơn với quan điểm của Mỹ trong vấn đề Syria. Ông Juppe cho biết, Pháp đang thảo luận với các cường quốc về khả năng viện dẫn chương 7 Hiến chương Liên Hợp Quốc cho phép dùng biện pháp quân sự.

 

Tại Hội nghị “Những người bạn Syria” tại Paris vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hilary cũng nhắc tới chương 7 Hiến chương Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng vũ lực. Ngoại trưởng Pháp còn yêu cầu 300 quan sát viên Liên Hợp Quốc được ủy thác tới Syria cần hoàn thành việc triển khai trong vòng 15 ngày, thay vì 3 tháng.

 

Ông Juppe tuyên bố, Pháp ấn định ngày 5/5 là “hạn chót” để Damascus tuân thủ Kế hoạch của Đặc phái viên Kofi Annan. Để giải thích cho “tối hậu thư” này, ông Juppe cho rằng, kế hoạch hòa bình chưa “chết yểu” nhưng đã bị “tổn hại nghiêm trọng”.

 

Trong khi Đặc phái viên Annan và Pháp yêu cầu triển khai nhanh toàn bộ 300 quan sát viên, nhưng Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình Herve Ladsous cho rằng, phải mất ít nhất 1 tháng để đưa 100 quan sát viên đầu tiên vào Syria.

 

Báo cáo trước Hội đồng bảo an, ông Ladsous cho rằng, Damascus đã từ chối các quan sát viên có quốc tịch từ các nước phương Tây và Arab thuộc nhóm gọi là “Những người bạn Syria”. Sự từ chối này của chính quyền Damascus cũng dễ hiểu bởi lẽ nhóm “Những người bạn Syria” là tập hợp những nước vốn ủng hộ phe đối lập, chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

 

Bất chấp những sức ép từ mọi phía, chính quyền Damascus tuyên bố, họ đang tuân thủ kế hoạch 6 điểm của Đặc phái viên Kofi Annan nhưng bảo lưu quyền được đáp trả lại những cuộc tấn công của các phe đối lập và nổi dậy.

Tuy phương Tây đe dọa biện pháp quân sự và những báo cáo bất lợi cho chính quyền Syria từ phía Đặc phái viên Kofi Annan, song triển vọng Hội đồng Bảo an ủng hộ hành động quân sự tại Syria là khá xa vời vì 2 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an là Nga, Trung Quốc luôn phản đối chủ trương này.

 

Trong khi kế hoạch 6 điểm của Đặc phái viên Kofi Annan đang được coi là biện pháp duy nhất được nhất trí hiện nay để giải quyết tình hình tại Syria thì ngày 25/4, bạo lực vẫn xảy ra tại nhiều khu vực ở nước này.

 

Theo Ủy ban Điều phối địa phương của Syria, bạo lực vẫn xảy ra sau khi các quan sát viên đến theo dõi tình hình tại thành phố Hama. Riêng trong ngày 25/4, có ít nhất 100 người thiệt mạng ở Hama, trong đó có 16 trẻ em. Tại thành phố Masha Tayar, có ít nhất 56 người thiệt mạng trong một vụ pháo kích. Ngoài số người chết và bị thương thì bạo lực tại nước này còn khiến nhiều ngôi nhà bị sập…

 

Tối 24/4 là một ngày đen tối đối với các tình nguyện viện ở Syria. Mohammed al-Khadraa thuộc Hội Chữ Thập đỏ Syria cho biết, 1 tình nguyện viên người Arab đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương ở Douma.

 

Cuộc khủng hoảng tại Syria bắt đầu từ tháng 3/2011. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, ít nhất 9.000 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực. Tuy nhiên, theo thống kế của các tổ chức khác thì số người thiệt mạng tại nước này phải lên tới hơn 11.000 người./.

 

 

 

Theo Bích Lan/VOV online

Tệp đính kèm