Cập nhật: 15/08/2012 17:03:44 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 14/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thông báo về tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Syria, theo đó số người mất nhà cửa do xung đột kéo dài 17 tháng nay ước tính đã lên tới hơn một triệu người.

 

 

Trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon cho biết giao tranh ngày càng ác liệt ở các đô thị đã làm tình hình nhân đạo trở nên trầm trọng hơn. Hiện có hơn 130.000 người Syria đã phải chạy ra nước ngoài lánh nạn. Tình trạng di tản hàng loạt này đặt ra nhiều vấn đề lớn đối với các cộng đồng dân cư trên toàn Syria.

 

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, bà Valerie Amos, hiện đang ở Syria để đánh giá tình hình nhân đạo cũng như hậu quả của cuộc xung đột đối với người dân.

 

Ngày 14/8 bà Valerie Amos đã gặp các quan chức Syria, trong đó có Thủ tướng Wael al-Halki, Thứ trưởng Ngoại giao Faisal Mekdad và Quốc vụ khanh phụ trách hòa giải dân tộc Ali Haidar. Bà cũng có cuộc hội đàm với người đứng đầu Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Arập Syria (SARC) Abdul-Rahman Attar và nhiều nhân viên của SARC.

 

Phát biểu với báo giới, bà Valerie Amos nhận định rằng tình hình hiện nay ở Syria nghiêm trọng hơn so với thời điểm bà thăm nước này hồi tháng Ba vừa qua. Bà bày tỏ hy vọng giao tranh sẽ chấm dứt để sớm đạt được hòa bình, ổn định và an ninh. Bà cho biết cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc sẽ phối hợp với SARC để đảm bảo hoạt động trợ giúp cho người dân.

 

Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức SANA của Syria dẫn lời Thủ tướng Hanki cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây và các nước Arập đối với Syria "chỉ làm tổn hại những người dân vô tội." Ông cũng bày tỏ tin tưởng Syria đủ khả năng chống chọi và vượt qua khủng hoảng, đồng thời tiến hành hòa giải, đảm bảo an ninh và ổn định trên cả nước.

 

SANA cũng dẫn lời Quốc vụ khanh Haidar nhấn mạnh việc hồi hương người tị nạn Syria là "nhiệm vụ của Chính phủ Syria, không phải của Liên hợp quốc hay các tổ chức quốc tế." Ông cũng cho biết thêm rằng ưu tiên của cơ quan do ông phụ trách là "chấm dứt bạo lực."

 

Cùng ngày, người phát ngôn của đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về Syria Kofi Annan cho biết Syria đã nhất trí với đề cử cựu Bộ trưởng Ngoại giao Angieria Lakhdar Brahimi thay thế ông Annan, người sẽ chính thức rút khỏi cương vị này vào ngày 31/8 tới.

 

Ông Brahimi bày tỏ mong muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức thông qua việc chỉ định ông thay thế ông Annan, coi đây là một điều kiện trước khi nhận nhiệm vụ này. Trước đó, ông Annan giữ cương vị này sau khi được Tổng Thư ký Ban Ki-moon chỉ định và không đưa ra Hội đồng Bảo an thông qua, dù cơ quan này bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ.

 

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với những người đồng cấp một số nước phương Tây ngày 13/8 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.

 

Theo bà Nuland, trong cuộc hội đàm kéo dài hơn một giờ đồng hồ, Ngoại trưởng Clinton cùng Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn cách hỗ trợ phe đối lập tại Syria, trợ giúp người tị nạn và chuẩn bị cho thời kỳ "hậu Assad."

 

Bà Nuland cũng cho biết Washington hy vọng Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của nước này đối với chính quyền Damascus để giúp chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria, đồng thời hối thúc Tổng thống Syria Assad tuân thủ thỏa thuận hòa bình do Đặc phái viên Annan đề xuất.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng Iran đang tăng cường vai trò ở Syria và cảnh báo rằng điều này khiến tình hình tại Syria trở nên trầm trọng hơn.

 

Phát biểu trong buổi họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, ông Panetta cho biết Mỹ có bằng chứng cho thấy Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran đang "tìm cách phát triển, đào tạo một lực lượng bên trong lãnh thổ Syria để bảo vệ chế độ ở nước này". Ông nhấn mạnh rằng người dân Syria nên tự quyết định tương lai của mình./.

 

 

 

Theo TTXVN

 

 

 

Tệp đính kèm