Cập nhật: 30/11/2012 16:43:33 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổng thống Mursi cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ phe phái hay cá nhân nào muốn kéo dài thời kỳ chuyển tiếp của đất nước.

Hội đồng lập hiến Ai Cập ngày 29/11 tiến hành bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp mới, trong khi Tổng thống Mohamed Mursi có bài phát biểu trên truyền hình, một lần nữa khẳng định các quyết định mở rộng quyền hạn của Tổng thống chỉ mang tính tạm thời. Những động thái này được xem là nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất đang diễn ra tại nước này kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 6 vừa qua.

 

Trước 85 thành viên Hội đồng lập hiến, 234 điều của dự thảo Hiến pháp được biểu quyết lần lượt. Những điều nào nhận được tối thiểu 2/3 số phiếu ủng hộ sẽ được thông qua trong khi nếu không đạt tỷ lệ ủng hộ này, điều đó sẽ được thảo luận lại và sẽ được thông qua nếu có sự ủng hộ của 57% thành viên hội đồng.

 

Trong những điều đầu tiên của dự thảo Hiến pháp được thông qua, đáng chú ý là Điều 2 quy định Luật Hồi giáo (Sharia) sẽ là nguồn gốc chính của Hiến pháp, bên cạnh đạo Hồi là quốc giáo và tiếng Arablà ngôn ngữ chính thức. Đây là một điều quan trọng, được giữ lại từ Hiến pháp trước đây vốn bị đình chỉ sau khi nhà lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ đầu năm 2011. Sau quá trình bỏ phiếu, dự thảo Hiến pháp sẽ được gửi tới Tổng thống Mursi và nếu được Tổng thống chấp nhận, dự thảo sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân trong vòng hai tuần.

 

Cùng ngày, Tổng thống Mursi có bài phát biểu trên truyền hình, cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ phe phái hay cá nhân nào muốn kéo dài thời kỳ chuyển tiếp của đất nước, đồng thời khẳng định ông tôn trọng ý kiến của tất cả các đảng phái chính trị.

 

“Đây là một giai đoạn đặc biệt và nó sẽ không kéo dài lâu. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng giải quyết một số vấn đề trong giai đoạn chuyển tiếp như nhanh chóng có một Quốc hội được bầu lên và có một tổng thống và chính phủ với quyền hành pháp và cơ quan tư pháp độc lập. Tuyên bố Hiến pháp là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay của tình hình đất nước và điều này chỉ có giá trị tạm thời, sẽ hết hiệu lực sau khi người dân Ai Cập thông qua bản hiến pháp mới”- Tổng thống Mursi nói.

 

Theo các nhà phân tích, những nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng trong nước, đặc biệt là việc Hội đồng lập hiến vội vã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp có thể giúp ông Mursi sớm thoát khỏi những căng thẳng hiện nay, song cũng có thể gây ra phản ứng tức giận từ phía các lực lượng đối lập, làm gia tăng sự chia rẽ trong nước. Những người phản đối cho rằng, những người Hồi giáo, mà đại diện là Tổ chức Anh em Hồi giáo mới là người quyết định Hiến pháp, chứ không phải là người dân Ai Cập.

 

Trong khi đó, làn sóng phản đối hành động “thâu tóm quyền lực” của Tổng thống Mursi vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương do xung đột trong các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước này từ tuần trước. Nhiều nhà phân tích cảnh báo về nguy cơ nổ ra một cuộc “cách mạng thứ hai” và lần này, cuộc đối đầu sẽ diễn ra giữa phe Hồi giáo và những thành phần khác trong xã hội Ai Cập./.

 

 

 

Theo Thu Hoài/VOV Online

 

Tệp đính kèm