Liệu Việt Nam có thể tránh được hai cuộc khủng hoảng lạm phát cao, và giảm phát đang tác động đến nền kinh tế hiện nay? Câu trả lời là phức tạp, nhưng ít nhất chúng sẽ được giảm nhẹ hơn nếu có hệ thống cảnh báo sớm, làm cơ sở cho những phản ứng chính sách kịp thời.
Suốt tuần trước, một nhóm các quan chức của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã ngồi lì trong một căn phòng nhỏ ở Hà Nội. Họ chăm chú nghe và ghi chép một chuyên đề đặc biệt: Sự cần thiết của hệ thống cảnh báo sớm để đối phó với những bất ổn kinh tế ở Việt Nam.
Kết thúc khoá đào tạo năm ngày, giảng viên chính, ông Lei Lei Song của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: “Hệ thống cảnh báo là phương tiện hữu hiệu để nhận diện nền kinh tế, nhưng họ cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu thêm về nó, cũng như kinh tế Việt Nam”.
Đây là lần đầu tiên, một khoá đào tạo kiểu như thế này được tổ chức ở Việt Nam. Tuy vậy, nó lại quá muộn so với nhiều nước trong khu vực, những quốc gia đã tự phát triển một hệ thống như vậy, hay với trợ giúp của ADB sau những tổn thất cay đắng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Ngoại trừ Lào và Campuchia, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN chưa có hệ thống này.
Dưới thời thống đốc trước, ông Lê Đức Thuý đã từng đề cập đến một hệ thống như vậy khi ban hành quy trình giám sát từ xa và hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Điểm trọng tâm nhất của quy trình này đề cập đến cơ chế quản lý giới hạn tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Nếu một hệ thống như vậy mà hoạt động tốt, thì việc cung tiền ào ạt như cuối năm 2007 đầu 2008 dẫn đến lạm phát cao, rất có thể, đã được phát hiện và xử lý sớm.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt nguyên là chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên hiệp quốc nhận xét rằng, cuộc khủng hoảng lạm phát ở Việt Nam là độc lập với cuộc khủng hoảng ở thế giới hiện tại. “Tuy nhiên, tôi chưa thấy Việt Nam rút ra được bài học nào đáng kể từ cuộc khủng hoảng này”, ông nhận xét gần đây.
Đến nay, ngoài một số đề tài của tiến sĩ Võ Trí Thành của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, công tác cảnh báo sớm vẫn còn rất xa lạ với Việt Nam. Trong khi đó, vẫn như trước đây, các cơ quan trung ương chỉ tổng hợp những chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực của mình, và không có trách nhiệm công bố chúng, hay chia sẻ với các cơ quan khác.
Cuối tháng 12 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận ra điểm yếu này và muốn có thay đổi. Ông giao cho trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, thuộc bộ Kế hoạch và đầu tư chức năng này. Tuy vậy, cho đến nay trung tâm này cũng mới chỉ có những hoạt động dự báo kinh tế mang tính thử nghiệm bởi khó tiếp cận đến các nguồn thông tin chính thức – vốn rất cần cho công tác dự báo kinh tế.
Sự bất cập trong việc thu thập thông tin, theo tiến sĩ Lê Đình Ân, giám đốc trung tâm đang là rào cản lớn nhất để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm. Ông nhận xét, các thông tin thường bị phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hoá thống nhất giữa các nguồn và các đơn vị quản lý. Đó là chưa kể các thông tin lại không được công khai.
Đặc biệt, hệ thống các thông tin và dữ liệu chuyên ngành phục vụ trực tiếp công tác dự báo kinh tế dường như mới hình thành bước đầu, nhiều chỉ số còn thiếu, hoặc chưa được kết nối với hệ thống các chỉ số thống kê chính thức quốc gia hàng năm.
Ông Ân nhận xét “Tình trạng phổ biến là, khi có việc cần đến các số liệu phục vụ xây dựng kế hoạch, viết báo cáo, cũng như dự báo kinh tế, hay tham khảo phục vụ các hoạt động quản lý Nhà nước, kinh doanh, hay nghiên cứu khoa học, thì mạnh ai người đó đề nghị xin, cấp và xử lý tuỳ tiện, tuỳ thuộc vào vị thế, tầm ảnh hưởng, các mối quan hệ cá nhân sẵn có, và đôi khi là cả sự trao đổi lợi ích qua lại không chính thức giữa các bên có liên quan”.
Cuộc đào tạo tuần trước với các quan chức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính mới chỉ là những bước đi dạo đầu. Bao giờ thiết lập được một hệ thống như vậy sẽ còn là câu hỏi treo đó. Ông Lei Lei Song nhấn mạnh rằng, điều kiện cần để có hệ thống này là Việt Nam phải công khai nhiều các số liệu kinh tế vĩ mô. Trong khi còn thảo luận về hệ thống đó, thì dường như những nguy cơ khủng hoảng kinh tế vẫn đang rình rập Việt Nam.
Theo Sài Gòn tiếp thị