Ngày Quốc tế Người tiêu dùng năm nay có chủ đề: “Tiền của chúng ta, Quyền của chúng ta”. Đây thực sự là một thông điệp đầy ý nghĩa trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam đang được hưởng rất ít quyền lợi
Theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản: Quyền được an toàn; Quyền được thông tin; Quyền được lựa chọn; Quyền được lắng nghe; Quyền được thỏa mãn nhu cầu cơ bản; Quyền được bồi thường; Quyền được giáo dục; Quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững. Quy định thì nhiều, tuy nhiên trên thực tế người tiêu dùng Việt Nam đang được hưởng rất ít trong số các quyền đó.
Người tiêu dùng chưa ý thức rõ quyền của mình
“Quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm hại nghiêm trọng ở mức độ phổ biến”, ông Lê Danh Vĩnh – Thứ trưởng Bộ Công thương một lần nữa nhấn mạnh điều đó tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người tiêu dùng (15/3) năm nay, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Lê Danh Vĩnh, để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân bởi một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, chỉ chạy theo lợi nhuận mà không ý thức đến lợi ích người tiêu dùng, còn bởi do chính số đông người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ quyền của mình.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bạch Văn Mừng – Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng, thời gian vừa qua người tiêu dùng bị xâm hại phổ biến nhưng dường như họ chỉ biết kêu “Ai bảo vệ chúng tôi”, trong khi bản thân họ có rất nhiều quyền năng mà không sử dụng hết.
Theo ông Bạch Văn Mừng, người tiêu dùng có quyền không sử dụng tiền của mình để mua hàng hóa vi phạm về an toàn, chất lượng. Khi người tiêu dùng biết sử dụng quyền lựa chọn của mình để mua hàng hóa của các doanh nghiệp chân chính thì cũng chính là họ đã sử dụng đồng tiền một cách có lợi nhất cho bản thân và cho nền kinh tế.
“Biết sử dụng đồng tiền khôn ngoan là cách người tiêu dùng tự cân bằng trọng lực đối với các nhà sản xuất, kinh doanh. Có tiền, chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn hàng hóa. Vì vậy, người tiêu dùng hãy là người tự bảo vệ mình trước tiên”, ông Mừng nói.
Có tiền, nhưng chưa chắc có quyền
Đành rằng, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, với thực tế năng lực có hạn và đa phần là những cá nhân tiêu dùng đơn lẻ, nhiều khi người tiêu dùng “biết đấy, nhưng cũng đành lực bất tòng tâm”.
Hàng ngày đi chợ, không bà nội trợ nào có thể đảm bảo số hoa quả hay miếng thịt mình mua có xuất xứ từ đâu, có bị tiêm hóa chất chống thối hay không, dù cho họ có mua ở hàng người quen. Rất hiếm bà mẹ có đủ điều kiện và thời gian để mang hộp sữa hàng ngày con họ vẫn uống đến các viện nghiên cứu khoa học kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng trong sữa đó có đạt chuẩn hay không. Hay thực khách tại các nhà hàng, quán bar không thể chắc thứ rượu họ đang uống có đúng xuất xứ như đã ghi trên nhãn, bởi đôi khi chuyện tem, nhãn chỉ là thứ người ta “dán lên cho đẹp” (!)...
Về vấn đề này, ông Bạch Văn Mừng thừa nhận, trong nền kinh tế trường với sự đa dạng về hàng hóa, dịch vụ như hiện nay, quả thực người tiêu dùng đang đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn mà có thể nói như đứng trước một “mê hồn trận”.
“Việc tạo lập một thị trường lành mạnh với hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp lý về giá… cần có một thời gian rất dài và phải có lộ trình, không thể kỳ vọng một sớm một chiều có thể thực hiện. Đầu tiên cần tập trung nhiều cho nhóm hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn…, dần dần tạo nếp văn minh trong mua bán”, ông Mừng nêu ý kiến.
Ngóng bình minh
Cho đến lúc này, câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn trong tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu nhất trên các nội dung: Chất lượng hàng hóa và dịch vụ (hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thái độ phục vụ…); Cân đo đong đếm không chính xác; Giá cả hàng hóa, dịch vụ; Vệ sinh an toàn thực phẩm…
Số liệu mà Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa công bố khiến nhiều người không khỏi giật mình: Trong năm 2009, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý gần 24.000 vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, số vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu: 2.278 vụ; hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ: 1.164 vụ; gian lận thương mại: 5.896 vụ; vi phạm khác: 14.624 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính, gồm cả trưng thu thuế hơn 411 tỷ đồng.
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, mà Bộ Công thương được giao chủ trì xây dựng, đang gấp rút hoàn chỉnh và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng Ba này. Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2010 và xem xét thông qua vào tháng 10/2010.
Sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam. 86 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ có trong tay công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm tạo ra một khối gắn kết bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.
Theo vovnews.vn.