Cập nhật: 01/10/2011 10:08:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9 tiếp tục "hạ nhiệt". Nhiều mặt hàng thiết yếu đã ổn định trở lại, giá một số mặt hàng có chiều hướng giảm đã tác động tích cực tới mặt bằng giá chung.

Từ nay đến cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân gây tăng giá, song do nguồn cung trong nước khá dồi dào sẽ khiến giá nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định. Đặc biệt, những chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ nhằm giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất cho vay, chống đầu cơ găm hàng... sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

 

CPI sẽ tiếp tục giảm?

 

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9 chỉ tăng 0,82% so với tháng 8, mức tăng thấp nhất tính từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân, do giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm, nguyên, nhiên vật liệu khá ổn định, cá biệt có một số nhóm hàng đã giảm nhẹ. Trong đó, nhóm giao thông đã giảm 0,07% do tác động của việc giảm giá xăng dầu cuối tháng 8. Tại Hà Nội, CPI tháng 9 chỉ tăng nhẹ ở mức 0,2%. Ba nhóm hàng, gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông có chỉ số giá giảm nhẹ ở mức 0,01-0,56% so với tháng trước. Tại TP Hồ Chí Minh, tuy mức tăng CPI cao hơn Hà Nội, song cũng chỉ tăng 0,88% so với tháng trước.

 

Như vậy, 9 tháng vừa qua, CPI đã tăng 16,63% so với tháng 12-2010. Có nhiều nguyên nhân khiến 9 tháng qua CPI có mức tăng cao. Trước hết là do ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới cùng với biến động tỷ giá đã tác động tới giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc lãi suất cho vay tại ngân hàng tăng cao những tháng qua cũng khiến chi phí đầu vào tăng. Thêm vào đó, việc tăng giá điện lũy kế, giá than đối với một số hộ tiêu dùng lớn, giá nước sạch tại một số địa phương... cũng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) tăng cao, gây áp lực tăng giá. Đặc biệt, do tác động của thời tiết, dịch bệnh, nên nguồn cung một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu đã giảm, đẩy giá bán trên thị trường tăng cao. Theo nhiều chuyên gia, áp lực gây tăng giá trong thời điểm cuối năm vẫn tiềm ẩn do thời tiết đã vào mùa lạnh gây tăng giá nguyên liệu, chất đốt. Thêm vào đó, mùa mưa lũ sắp tới cũng có thể làm bùng phát dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, như giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng giảm, nguồn cung thực phẩm trong nước khá dồi dào… Dự báo, CPI tháng 10 chỉ tăng khoảng 0,5% so với tháng 9.

 

Ổn định thị trường

 

So với tháng 12-2010, CPI tháng 9 đã tăng 16,63%. Để đạt được mục tiêu kiềm chế CPI cả năm 2011 ở mức 18%, trong 3 tháng cuối năm, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là kiềm chế CPI mỗi tháng tăng khoảng 0,45%. Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9, Chính phủ đã nêu rõ những nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện, bảo đảm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giữ ổn định tâm lý và cải thiện niềm tin của người dân với chính sách kinh tế vĩ mô.

 

Để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp DN tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, phù hợp theo tín hiệu thị trường. Trên cơ sở kết quả kiềm chế lạm phát, NHNN từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, bảo đảm hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá thực phẩm lên cao, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương có biện pháp mạnh để khắc phục hiện tượng đầu cơ găm hàng, thao túng giá, đẩy giá lên cao…

 

Tại hội nghị về điều hành giá xăng dầu diễn ra mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết sẽ điều hành các mặt hàng thiết yếu, có tác động trực tiếp tới nền kinh tế như xăng dầu, điện, than theo hướng công khai, minh bạch, có sự quản lý của Nhà nước. Tất cả những khoản chi phí bất hợp lý của DN sẽ không được chấp nhận và không được tính vào giá bán. Những biện pháp trên của Bộ Tài chính nếu được thực hiện sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực nhằm giữ ổn định thị trường, tạo nền tảng quan trọng để giữ ổn định nền kinh tế và tăng trưởng hợp lý.

 

 

 

Theo Hương Ly/HNM Online

Tệp đính kèm