Cập nhật: 07/01/2012 13:58:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa để sẵn sàng phục vụ, song sức mua thị trường lại chưa thấy có dấu hiệu sôi động. Bên cạnh đó, còn không ít nỗi lo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Hàng hóa phong phú

 

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, dự kiến nhu cầu hàng hóa trong tháng Tết sẽ tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm. Ngoài 15 DN tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố được vay vốn dự trữ hàng với lãi suất ưu đãi (0%) sẽ dự trữ khoảng 1.350 tấn thịt lợn, 500 tấn gà, vịt, 8 triệu quả trứng gia cầm, 1.280 tấn thực phẩm chế biến, 800 tấn thủy, hải sản đông lạnh... các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, BigC, Co.opMart cũng đã dự trữ đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu với tổng số tiền hàng khoảng 1.900 tỷ đồng. Còn theo Tổng Công ty Thương mại HN (Hapro), để bảo đảm đủ lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trong dịp Tết, từ cuối tháng 9-2011, các DN trực thuộc đã chủ động tăng cường liên kết, tìm kiếm nguồn hàng. Tết này, Hapro dành khoảng 905 tỷ đồng để dự trữ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm tươi sống, tăng 15% so với Tết 2011. Hệ thống chợ thành phố cũng đã có kế hoạch đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng hơn 70.000 tấn thực phẩm, rau, quả, thực phẩm chế biến các loại...

 

Địa điểm phục vụ đều khắp

 

Tham gia việc bình ổn giá cả thị trường dịp Tết, các DN thương mại thành phố đã xây dựng được 653 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gần 150 điểm so với năm 2011 (có 304 điểm ở ngoại thành, 68 điểm tại các chợ và 6 điểm tại các khu công nghiệp).

 

Điểm nhấn của hoạt động này là chương trình "Trung tâm thương mại lưu động bán hàng bình ổn giá" tại các huyện ngoại thành trong dịp Tết. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương HN cho biết, từ ngày 9 đến 18-1-2012 (tức ngày 16 đến 25 tháng Chạp) các DN thương mại, sản xuất của thành phố sẽ tổ chức 9 "Trung tâm thương mại bán hàng lưu động" tại quận Hoàng Mai và các huyện Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thạch Thất. Các DN tham gia chương trình chủ yếu là những đơn vị kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá, DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, có khả năng tổ chức bán hàng tốt, đáp ứng yêu cầu của thành phố và DN thương mại, hộ kinh doanh bán các mặt hàng truyền thống tại địa phương... Ngoài các DN kinh doanh, một số DN sản xuất, chế biến thực phẩm như Công ty Thực phẩm Vinh Anh, Minh Hiền… đã ký hợp đồng với chủ trang trại chăn nuôi tại các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình để đưa hàng về.

 

Nhiều trung tâm thương mại lớn như BigC, Co.opMart Sài Gòn tại Hà Nội cũng như hệ thống các cửa hàng, trung tâm thương mại của hệ thống thương mại nhà nước và tư nhân cũng đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ cho dịp Tết tăng từ 25% đến khoảng 40% so với Tết 2011.

 

Người tiêu dùng vẫn lo?

 

Đã thành quy luật, vào cuối năm âm lịch, khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường tăng cao, tình trạng buôn lậu, đưa hàng giả, hàng kém chất lượng bán ra thị trường lại nở rộ. Theo Chi cục QLTT Hà Nội, chỉ trong vài ngày đầu của tháng 12-2011, hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển, dự trữ hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng với số lượng lớn trên thị trường Hà Nội đã được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, trong đó có 7 vụ liên quan đến thực phẩm "bẩn" với hàng chục tấn gia súc, gia cầm đã chế biến nhưng không bảo đảm ATVSTP, mứt Tết, ô mai, rượu ngoại... Nghiêm trọng nhất là vào lúc 20h ngày 28-12-2011, lực lượng CA, QLTT thành phố và quận Hoàng Mai phục kích, bắt giữ hơn 23 tấn chân, đuôi, nội tạng của trâu, bò (một số trong tình trạng đang phân hủy, bốc mùi) được bỏ trong bao tải bẩn, chất kín trên chiếc xe container BKS 60P-2068, tại địa chỉ số nhà 28, tổ 15 Yên Sở, quận Hoàng Mai, với giá trị trên 1 tỷ đồng.

 

Thực trạng trên thật sự khiến người tiêu dùng lo lắng và cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm này cần được đặt ra và tổ chức thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa. Một trong những bất cập hiện nay là hiệu lực ngăn chặn, răn đe đối với các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa cao nên không có tác dụng ngăn chặn cũng như phòng ngừa. Đơn cử như vụ bắt giữ hơn 23 tấn chân, đuôi, nội tạng của trâu, bò "bẩn" ở quận Hoàng Mai kể trên, một cán bộ QLTT cho biết, ngoài việc tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt vi phạm hành chính được chủ hàng tối đa 15 triệu đồng - số tiền quá nhỏ so với giá trị hàng hóa vi phạm.

 

Thị trường trước Tết Nguyên đán - dịp tiêu dùng lớn nhất trong năm, với những diễn biến như vậy là chưa ổn. Mặc dù xu thế "chơi Tết" ngày càng được người dân Thủ đô chú trọng hơn "ăn Tết" như trước đây và người tiêu dùng đang ngày một "thông thái" hơn, song việc bảo đảm chất lượng và các yêu cầu ATVSTP của hàng hóa vẫn là điều được quan tâm và đặt ra gay gắt. Làm tốt được điều đó, các biện pháp kích cầu tiêu dùng, khuyến khích "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... mới đạt hiệu quả và Tết Nguyên đán này, người dân Thủ đô mới thật sự yên tâm.

 

 

Theo Đỗ Tâm/HNM Online

 

Tệp đính kèm