Không chỉ ngồi sau xe máy, trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm. Nếu không thực hiện, người lái xe sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Ngoài ra, trẻ ngồi trên ghế trước ô tô mà không thắt dây an toàn cũng sẽ phải chịu mức phạt tương đương.
Đó là một trong các nội dung của dự thảo Nghị định xử phạt hành chính vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.
6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm
Tại buổi họp báo diễn ra chiều nay (24/9), nội dung liên quan đến quy định trẻ từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau môtô, xe máy, xe đạp điện được mọi người đặc biệt quan tâm.
Theo Thượng tá Trần Sơn - Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật và xử lý TNGT, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, cũng có nhiều ý kiến đề nghị xem lại độ tuổi của trẻ, vì cho rằng việc đội mũ bảo hiểm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, trong khi đó trên thị trường hiện có nhiều loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, khiến cho trẻ nhỏ dễ gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn đề nghị áp dụng quy định trên với mức phạt từ 100 - 200.000đ bởi thời gian qua, các kết quả nghiên cứu đều khẳng định, trẻ em đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, chất lượng khi đi môtô, xe gắn máy sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngược lại, mũ còn có tác dụng bảo vệ vùng đầu, giảm tỷ lệ chấn thương sọ não tới 69%, nguy cơ tử vong giảm tới 42% khi xảy ra tai nạn giao thông.
Theo quy định, trẻ em đi và ngồi sau xe đạp điện nếu không đội mũ bảo hiểm cũng bị phạt 100.000 - 200.000 đồng. Trẻ em ngồi ghế trước trong ôtô mà không thắt dây an toàn cũng bị phạt chung mức từ 100.000-200.000 đồng.
Ngoài mức phạt tiền trên, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp bổ sung là giữ phương tiện vi phạm có thời hạn cho đến khi bố mẹ trẻ đến nhận. Lý do, nếu không giữ phương tiện trẻ sẽ tiếp tục tái phạm.
Khó khăn chứng minh độ tuổi
Điều khó nhất trong việc thực hiện Dự thảo Nghị định quy định xử phạt đối với trường hợp trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên không đội MBH là việc chứng minh trẻ trên - dưới 6 tuổi? Nếu phải mang theo giấy khai sinh thì liệu có phải thay đổi lại quy định trước đó (đã quy định đối với người tham gia giao thông phải mang theo 4 loại giấy tờ kèm theo thành 5 loại giấy tờ - PV) hay không?!
"Có ý kiến cho rằng nên dựa vào cân nặng, chiều cao của trẻ, nhưng thực tế nhiều em ở độ tuổi đó có cân nặng như một người trưởng thành nên rất khó xác định. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên đối phó mà cần hiểu rằng đội mũ bảo hiểm cho con em khi tham gia giao thông trên đường chính là bảo vệ tính mạng của con em mình", thượng tá Trần Sơn, Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt nói.
Theo ông Sơn, trong trường hợp 2 bên không chứng minh được ngay độ tuổi của trẻ thì cảnh sát sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt, sau đó nếu bố mẹ chứng minh được trẻ dưới tuổi quy định thì sẽ hủy biên bản và hoàn trả lại tiền.
Báo điện tử VN Media