Cập nhật: 25/08/2010 16:11:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những trận mưa lớn kèm gió lốc kéo dài nhiều giờ đồng hồ do bão số 3 gây ra khiến các địa phương thuộc vùng đổ bộ của bão hoang tàn, đổ nát... Tại Quảng Bình, hai người đi rừng bị nước cuốn trôi, một em gái 9 tuổi tại Nghệ An thiệt mạng

*Tại Thanh Hóa, bão số 3 tiếp tục ảnh hưởng với gió và mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Lượng mưa đo được tại thị trấn Chuối, huyện Nông Cống là 96mm, tại Quảng Xương là 86,7mm, tại thành phố Thanh Hoá là 82mm.

 

Tại các khu vực ven biển như huyện Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn... gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, giật câp 10, cáp 11, biển động dữ dội. Là địa phương cố số lượng tàu, thuyền lớn của tỉnh, bên cạnh việc kêu gọi các tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, huyện Tĩnh Gia chủ động di dời các hộ dân ven biển vùng nguy cơ cao.

 

Mưa lớn cũng đã gây ngập úng, phần lớn diện tích nuôi tôm của người dân tại Tĩnh Gia đã bị nước cuốn trôi.

 

* Tại Quảng Bình, ông Hoàng Minh Đề - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết: ngày 24/8, nước suối Khe Nét lên cao đã cuốn trôi hai người đi rừng. Hai nạn nhân là anh Cao Văn Hoàng (31 tuổi) và Cao Văn Thiu (19 tuổi), cùng ở thôn Kim Ninh (xã Kim Hóa). Đang trên đường đi rừng về nhà, anh Hoàng và anh Thiu tìm cách vượt qua con suối Khe Nét (một nhánh thượng nguồn sông Gianh), nhưng do nước lũ chảy xiết hai anh đã bị dòng nước cuốn trôi.

 

Nhận được thông tin, chính quyền xã đã cho lực lượng tìm kiếm nhưng đến 17h cùng ngày vẫn chưa tìm được tung tích hai nạn nhân.

 

*Tại Quảng Trị, tuy không trực tiếp bị cơn bão số 3 tàn phá nhưng tỉnh cũng bị thiệt hại. Ở huyện Vĩnh Linh, cơn bão số 3 gây ra lốc xoáy với cường độ rất mạnh đã làm sập nhà và các thành viên trong gia đình anh Nguyễn Khắc Lưu ở xã Vĩnh Thủy bị thương nặng. 2 vợ chồng anh hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, đứa con nhỏ mới 11 tháng tuổi cũng đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Ngoài ra, bão còn làm tốc mái 10 ngôi nhà dân, 1 nhà văn hóa, hơn 30ha cao su tiểu điền đang trong thời kỳ cho khai thác bị gãy đổ, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 4,5 tỷ đồng. Cũng do bão số 3, một cơn lốc xảy ra ở xã vùng biển Hải Khê, huyện Hải Lăng đánh vỡ 9 chiếc thuyền của ngư dân đang neo đậu trên bờ và nhiều cây xanh, hoa màu, cột điện bị gãy đổ.

 

Điều đáng nói là những ngày qua ở Quảng Trị có mưa lớn kéo dài, lượng mưa đo được bình quân trên 50mm, có nơi trên 100 mm, mực nước ở các triền sông xấp xỉ báo động 1, đã làm cho hàng ngàn ha lúa và hoa màu, hồ tôm bị ngập.

 

Nặng nhất là ở huyện Hải Lăng nước tràn qua hệ thống đê bao làm ngập gần 2.000 ha lúa đang trong thời kỳ chín rộ. Cho đến thời điểm này toàn huyện mới thu hoạch 1.200/6.500ha lúa hè thu, hiện nay huyện Hải Lăng đang tập trung chỉ đạo bảo vệ hệ thống đê, tiêu úng và xin sự hỗ trợ của lực lượng quân đội giúp dân thu hoạch lúa phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/8.

 

*Tại Đà Nẵng: Mặc dù Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã huy động cả tàu quân sự, máy bay trực thăng để tìm kiếm, nhưng đến chiều tối nay 24/8, chiếc tàu cá mang số hiệu ĐNa 61406TS do ông Trần Út, tổ 35 Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng làm thuyền trưởng vẫn chưa tìm thấy.

 

Sau khi nhận lệnh điều động cứu nạn, Trung đoàn trực thăng 954, Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không-Không quân đã triển khai các lực lượng ứng cứu. 9h sáng 24/8, chiếc máy bay MI 17 số hiệu 8411 đã liên tục rà soát vùng biển phía Đông thành phố Đà Nẵng 70 đến 100 km trên diện tích 500 km2. Sau đó, 14h30 đến 17h30 chiều 24/8 máy bay của Sư đoàn 372 tiếp tục bay tìm kiếm trên diện tích 300km2 nhưng vẫn chưa tìm thấy chiếc tàu bị nạn.

 

Trước đó, vào sáng sớm, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã điều tàu SAR 271 ra tham gia tìm kiếm cùng chiếc tàu SAR 412 đã lên đường từ chiều 23/8. Mặt khác, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cử 2 tàu BP 681 và BP 209 lên đường tham gia tìm kiếm. Vùng C Hải quân cũng cử tàu HQ 625 lên đường tìm kiếm tàu cùng 10 ngư dân mất tích. Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cũng đã đề nghị 2 tàu cá có công suất lớn nhất Đà Nẵng lên đường tìm kiếm,…thế nhưng vẫn chưa rõ tung tích của chiếc tàu cá cùng 10 ngư dân.

 

Trưa 23/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nhận được đề nghị cứu nạn từ thuyền trưởng tàu ĐNa 61406TS thông qua hệ thống thông tin liên lạc I-COM khi tàu này đang bị chết máy trên đường chạy trú bão. 14h ngày 23/8, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực 2 lên đường cứu nạn và đã tìm thấy tàu ĐNa 61406TS trên biển cách Đà Nẵng chừng 32 hải lý. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn, tàu SAR 412 không thể cập mạng tàu cá vì sợ sóng va đập vỡ tàu cá nên lực lượng cứu hộ đã dùng dây quăng sang tàu cá để nối dây kéo. Đến khoảng 21h ngày 23/8, trong quá trình kéo tàu cá cùng 10 ngư dân về đất liền, cách biển Đà Nẵng khoảng gần 8 hải lý thì phát hiện dây kéo tàu bị đứt khi nào không biết, tàu cá ĐNa 61406TS cùng 10 ngư dân mất tích. Mặc dù tàu SAR 412 quay lại tìm kiếm nhưng lực lượng cứu hộ không tìm thấy tàu cùng 10 ngư dân.

 

** Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Đào Xuân Học đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, chiều tối 24/8, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại tỉnh Nghệ An. Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Đào Xuân Học, về công tác phòng chống lụt bão của Nghệ An và cảnh báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đối với các địa phương ở khu vực miền Trung

 

PV: Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về những thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra tại tỉnh Nghệ An?

 

Thứ trưởng Đào Xuân Học: Cơn bão đổ bộ vào lúc 18h tối hiện tại đang ban đêm nên đánh giá thiệt hại cũng khó khăn. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ ban đầu thì đã có 1 cháu gái 9 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu bị thiệt mạng, nhà cửa bị tốc mái nhiều, gió lớn cũng làm cây cối ngã đổ, ngập lụt ở một số nơi trong thành phố Vinh, nhất là ở những vùng trũng thấp ảnh hưởng đến mùa vụ của nông dân.

 

PV: So với những cơn bão trước thì cơn bão số 3 này có gì bất thường không thưa Thứ trưởng?

 

Thứ trưởng Đào Xuân Học: Có thể nói là bão số 3 không có điểm nào bất thường bởi vì dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn lần này rất là tốt.

 

Thứ nhất là vị trí tâm bão, cường độ bão và tâm bão đều chính xác kể cả giờ đổ bộ của bão cũng được dự báo chính xác. Về công tác chủ động phòng chống bão của các địa phương được chuẩn bị chu đáo vì vậy mức độ thiệt hại cũng không phải là lớn.

 

PV: Với diễn biến của bão số 3 khi đổ bộ vào bờ hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng đến các địa phương thuộc tâm bão và những địa phương xung quanh, nhất là vùng miền núi và nguy cơ sạt lở cao. Thứ trưởng có cảnh bảo như thế nào đối với những địa phương này?

 

Thứ trưởng Đào Xuân Học: Hiện tại có thể nói bão số 3 đã qua, tuy nhiên thiên tai thì chưa qua, theo dự báo của Khí tượng thuỷ văn thì đêm nay ở một số tỉnh khu vực miền Trung vẫn có mưa vừa đến mưa to và điều này có thể gây ra những nguy cơ như lũ trên sông, suối, ở những vùng trũng thấp, và đặc biệt liên quan đến sạt lở đất, lũ quét vẫn có thể xảy ra.

 

Do đó đối với các địa phương vẫn phải luôn luôn cảnh giác, bão qua nhưng thiên tai thì chưa qua để cảnh báo cũng như theo dõi kịp thời cảnh báo đối với nhân dân ở những khu vực thiên tai thường xảy ra. Đối với mùa vụ của nông dân có thể có thiệt hại và điều này cũng đã xảy ra nhưng cũng không phải vì thế mà liều lĩnh làm những việc ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của con người.

 

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm