Câu chuyện tăng giá, lạm phát không còn là những thuật ngữ của các nhà chuyên gia kinh tế, mà đã là chủ đề bàn luận của bất cứ ai
Giá xăng dầu bất ngờ tăng từ 2.000- 2.800 đồng lít để đạt ngưỡng lịch sử 21.300 đồng/lít xăng đã khiến cuộc sống đa phần của người lao động vốn đã khó, nay còn khó hơn. Nỗi lo này có cơ sở bởi mỗi khi xăng dầu tăng, kiểu gì thì sớm muộn các mặt hàng khác sẽ rục rịch lên theo. Cuộc chiến với giá cả tăng, với lạm phát vốn đã nặng nay còn nặng thêm trên đôi vai của cả Nhà nước và người dân, nhất là người lao động nghèo. Đây được xem là một trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế lúc này hơn lúc nào hết; Nhà nước và nhân dân cùng “thắt lưng buộc cùng vì giá”.
Có lẽ đã khá lâu rồi câu chuyện tăng giá, tăng lương, rồi lạm phát không còn là những thuật ngữ của các nhà chuyên gia kinh tế nữa mà đã là chủ đề bàn luận và nỗi lo của bất cứ ai đeo trên vai gánh nặng đời sống hàng ngày. Chịu áp lực nặng nền nhất có lẽ là các bà nội trợ, những người lao động còn loay hoay mãi với thiếu trước hụt sau trong cuộc sống thường nhật. Ra chợ bây giờ, mặt hàng nào giá cũng tăng, đa phần người tiêu dùng đều cân nhắc trong chi tiêu, cố gắng co kéo trong khoản tiền gần như không tăng thêm dtrong giai đoạn bão giá .
Trong bối cảnh khó khăn chung, người lao động vẫn tìm cách thức tự cứu mình . Tự thân vận động thay vì kêu ca, phàn nàn, nhiều người đang phải tự nghĩ ra sáng kiến “thắt lưng buộc bụng” thích nghi với hoàn cảnh để cân bằng cuộc sống.
Các cụ có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nên trong mỗi cơ quan, gia đình đều có cách ứng xử linh hoạt, không ít người đã đi chung xe, đi xe buýt… để đỡ tiền xăng. Nhiều gia đình, không cứ ở nông thôn hay thành thị, đành quay lại triết lý “tự túc tự cấp” tận dụng điều kiện hiện có trồng rau, nuôi cá, giảm sử dụng dịch vụ tốn tiền. Sự tùng tiệm trong cuộc sống đã thấy và dần dần hình thành trong cuộc sống của rất nhiều gia đình. Chẳng ai bảo ai nhưng cũng tự hiểu với nhau rằng, nếu không thể kiếm thêm tiền để chi tiêu như trước đây thì hãy chịu khó thay đổi thói quen cũ bằng cách thức mới sẽ thấy không quá bức bối với khó khăn vì bão giá.
Người dân đồng tâm thắt lưng buộc bụng nhưng chưa thể an lòng khi chỉ 2 tháng đầu năm các doanh nghiệp vẫn bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như thuốc lá, ô tô, rượu bia, mỹ phẩm…
Người dân vẫn chưa thể yên tâm khi chỉ số giá cả tiêu dùng 3 tháng đầu năm vẫn tăng khá cao, giá cả tháng 4 chưa mấy cải thiện khi dự báo sẽ còn tăng từ 1,6 - 1,8%.
Người dân cũng chưa thể yên tâm khi từ tháng 5, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách... nhưng giá đã đón đầu tăng trước đó cả tháng trời. Không những thế tăng lương sẽ lại là cái cớ để thị trường phản ứng theo kiểu “té nước theo mưa”.
Người dân cũng chưa thể yên tâm khi vừa dứt cơn sốt vàng, đô la lại lại bắt đầu xuất hiện những cơn sốt bất động sản những ngày gần đây ở khu vực Hà nội và những vùng phụ cận. Mỗi cơn sốt, thông thường để lại những hệ lụy về kinh tế, xã hội và tạo ra những thân phận mang tính xã hội sâu sắc.
Vẫn biết, tác động chính sách sẽ có độ trễ nhất định, nhưng người dân đang mong chờ sự quyết liệt hơn nữa các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội như Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra. Trong điều kiện lạm phát cao, người dân thực hiện thắt lưng buộc bụng cũng yêu cầu phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” theo kiểu cắt giảm các dự án kém hiệu quả, việc thắt chặt cung tiền của Chính phủ cần được đẩy nhanh hơn để giảm lượng tiền lưu thông trong xã hội, góp phần kiềm chế lạm phát./.
Theo vovnews