Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây, số bệnh nhân tới Bệnh viện khám do cúm tăng khoảng 10% so với trước. Đặc biệt, Bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và các chủng cúm thông thường khác vào điều trị.
Ngoài ca nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong hồi đầu tháng 4/2013, Bệnh viện cũng đang điều trị cho bốn ca nhiễm cúm A/H1N1 nặng và đã có biến chứng.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là ông N. 52 tuổi, ở Phú Thọ, nhập viện ngày 13/4 và đang ở ngày mắc bệnh thứ 11. Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân này có sức khỏe tốt, không có bệnh nền. Trước khi nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân này được một bệnh viện ở Phú Thọ làm xét nghiệm nhưng không tìm ra chủng virút cúm, chỉ đến khi gửi mẫu bệnh phẩm xuống Viện Dịch tễ Trung ương mới cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 và âm tính với cúm A/H7N9.
Một trường hợp khác là một bệnh nhân nữ 26 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện hôm 13/4. Kết quả chụp X-quang phổi trắng xóa và có biến chứng viêm cơ tim. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn nhưng vẫn phải thở oxy. Trường hợp này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H1N1.
Ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Riêng khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này đang điều trị hai trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 rất nặng và một trường hợp viêm phổi nặng có nghi ngờ nhiễm virút cúm A/H1N1.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, không chỉ có chủng vi rút cúm A/H1N1 mà ngay cả với những chủng vi rút cúm cũ như: H2N2, H3N2... cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Sau khi bùng phát thành đại dịch vào năm 2009, cúm A/H1N1 vẫn phát tác trong cộng đồng. Số người lành mang vi rút này trong cộng đồng chiếm tỉ lệ khá lớn, rải rác hằng năm vẫn có những bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 nhưng không được phát hiện.
Như những loại vi rút cúm thông thường khác, vi rút cúm A/H1N1 có độc lực không cao, phần lớn các ca nhiễm cúm thông thường đều tự khỏi. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ nhất định những người nhiễm những vi rút cúm này có diễn biến nặng lên trở thành viêm phổi, suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong.
Chính vì vậy, bác sĩ Hà khuyến cáo, bên cạnh việc chủ động phòng ngừa chủng cúm mới A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, bùng phát thành dịch, thì người dân không nên chủ quan với các chủng cúm khác, kể cả những chủng cúm thông thường. Hơn nữa, các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau, gồm các triệu chứng ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu, viêm kết mạc… nên rất khó xác định từng ca nhiễm. Vì thế, tất cả mọi người khi có biểu hiện cúm đều nên được tư vấn, theo dõi điều trị ở cơ sở y tế gần nhất./.
Theo Kha Thoa/Báo điện tử ĐCSVN