Cập nhật: 18/03/2011 16:19:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác lập pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tính tuân thủ pháp luật của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân còn thấp; có lúc, có nơi luật chưa phát huy được tác dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nguyên nhân một phần do ý thức và năng lực của những người thực thi pháp luật còn hạn chế. Để công tác xây dựng và thực thi pháp luật đem lại hiệu quả thiết thực, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức và năng lực của người thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tính tuân thủ pháp luật của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân còn thấp; có lúc, có nơi luật chưa phát huy được tác dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nguyên nhân một phần do ý thức và năng lực của những người thực thi pháp luật còn hạn chế. Để công tác xây dựng và thực thi pháp luật đem lại hiệu quả thiết thực, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức và năng lực của người thực thi pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều quy định mang tính “luật khung” nên khó thực hiện, dễ bị những người thực thi lợi dụng “sơ hở” để lách luật. Trong Bộ luật Hình sự (BLHS), khung hình phạt của các điều luật thường được quy định từ 2 đến 7 năm, từ 3 đến 10 năm, từ 7 đến 15 năm... nhiều người cho rằng khung hình phạt dài như vậy thì rất dễ vận dụng tùy tiện. Chẳng hạn, khi một người phạm tội thuộc trường hợp khung hình phạt từ 7 đến 15 năm thì Tòa án xử ở mức khởi điểm 7 năm cũng được, hoặc ở mức tối đa 15 năm cũng được. Quan niệm như vậy nên nhiều người luôn đòi hỏi các quy định của pháp luật phải thật cụ thể, chi tiết, phải liệt kê đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra trong cuộc sống. Điều này dẫn đến một thực tế, các văn bản luật, pháp lệnh có hiệu lực nhiều năm nhưng nếu không có nghị định, thông tư hướng dẫn thì không được các ngành các cấp triển khai thực hiện.

 

Pháp luật là quy tắc xử sự chung, trong khi đó các quan hệ xã hội lại rất đa dạng, phong phú và luôn vận động phát triển, quan hệ này mất đi, quan hệ mới phát sinh. Thực tiễn cho thấy, pháp luật quy định càng cụ thể, càng chi tiết thì càng hay sơ hở, bỏ sót, càng dễ tạo ra các khoảng trống pháp lý và càng nhanh lạc hậu so với các quan hệ xã hội. Không những thế, khi các quy định của pháp luật quá cụ thể, quá cứng nhắc đôi lúc còn làm khó, “bó tay” của những người thực thi pháp luật. Cùng thực hiện một hành vi phạm tội nhưng mỗi người phạm tội lại có hoàn cảnh, nhân thân tốt, xấu khác nhau; việc phạm tội trong những điều kiện, do những nguyên nhân khác nhau thể hiện tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau, do đó sẽ chịu những hình phạt không giống nhau. Việc Bộ luật Hình sự quy định những loại và khung hình phạt dài là để những người làm công tác xét xử xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định mức hình phạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Do đó, trong một trường hợp phạm tội cụ thể, những Thẩm phán thực thụ không thể xử phạt 7 năm hoặc xử phạt 15 năm cũng được.

 

Công tác lập pháp quy định theo hướng định lượng, liệt kê cụ thể, chi tiết thì thường dễ tạo ra các khoảng trống pháp lý và luôn rơi vào thế lạc hậu phải sửa đổi, bổ sung; ngược lại, pháp luật quy định theo hướng định tính, khái quát thì luôn phù hợp, bao quát được mọi tình huống, có “tuổi thọ” cao nhưng lại khó thực hiện, do năng lực của những người thực thi pháp luật còn hạn chế. Do đó, để giải quyết mâu thuẫn này thì cần có chiến lược nâng cao ý thức và năng lực của người thực thi pháp luật. Thực tiễn cho thấy việc nâng cao ý thức và năng lực của người thực thi pháp luật phải thực hiện ở cả phương diện lý luận, thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong việc áp dụng pháp luật.

 

Để pháp luật trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát huy nền dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thì việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đi đôi với việc nâng cao năng lực của những người thực thi pháp luật. Do đó, để bảo đảm sự đồng bộ và phát huy hiệu quả của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả công cuộc cải cách tư pháp, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao năng lực của những người thực thi pháp luật.

 

 

Theo Báo điện tử Đại biểu ND

 

Tệp đính kèm