Cập nhật: 27/06/2012 16:25:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm gần đây, tình hình tệ nạn ma túy trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tính đến cuối năm 2011, vẫn còn hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy. Các loại tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy quốc tế gắn liền với thảm họa ma túy tổng hợp ATS đã và đang thật sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia.

Ở Việt Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy thật sự đã trở thành hiểm họa lớn, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ là nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất ổn định về chính trị, xã hội.

 

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, Ðảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy. Ngày 26-3-2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/T.Ư về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và kiểm soát ma túy trong tình hình mới". Ngày 27-6-2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1101-QÐ/TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhờ triển khai thực hiện liên tục, đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống ma túy đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy đã được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tệ nạn ma túy; phong trào toàn dân phòng, chống ma túy đã được phát triển rộng khắp trên cả nước; tốc độ gia tăng người nghiện được kiềm chế, ở một số địa phương đã có xu hướng giảm. Ðã thực hiện có hiệu quả Chương trình xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy tại các vùng cao. Từ một nước có gần 20 nghìn ha trồng cây thuốc phiện vào năm 1998, đến nay, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề trồng cây thuốc phiện và tái trồng cây thuốc phiện.

 

Công tác phòng, chống ma túy đã từng bước được xã hội hóa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện; đã cảm hóa, giáo dục, cải tạo được nhiều đối tượng phạm tội, đối tượng nghiện hút ma túy tái hòa nhập cộng đồng trở thành người làm ăn lương thiện, có ích cho xã hội. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến xuất sắc trong phòng, chống ma túy như mô hình ba giảm: "Giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mại dâm" của TP Hồ Chí Minh; mô hình thành phố năm không: "Không có tội phạm giết người cướp của, không có ma túy tại cộng đồng, không có người thất học, không có người lang thang xin ăn, không có hộ đói" của TP Ðà Nẵng; phong trào ba bỏ: "Bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ hút thuốc phiện, bỏ buôn bán ma túy" của tỉnh Yên Bái...

 

Trong lĩnh vực cai nghiện, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện với nhiều hình thức; đồng thời chú trọng quản lý đối tượng sau cai nghiện ở cộng đồng. Số người nghiện được tiếp cận các hình thức cai nghiện ngày một tăng, qua đó đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện ma túy. Xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện, phục hồi có hiệu quả như mô hình cai nghiện tại tỉnh Tuyên Quang, TP Hà Nội... Ðặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cai nghiện, dạy nghề thành công cho hơn 40.000 người nghiện, giảm nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng.

 

Trên lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; ký kết nhiều hiệp định hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế, trong đó đáng chú ý là ba Công ước kiểm soát ma túy, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việt Nam cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, In-tơ-pôn, các nước ASEAN, các nước Tiểu vùng sông Mê Công... nhằm trao đổi thông tin, nâng cao năng lực cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật phòng, chống và kiểm soát ma túy qua biên giới.

 

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá gần 30 nghìn vụ án ma túy; bắt gần 40 nghìn đối tượng phạm tội; triệt phá hàng trăm đường dây ma túy nguy hiểm, hàng nghìn tụ điểm phức tạp về ma túy. Trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt, nguy hiểm với tội phạm về ma túy, trong năm năm qua, có 17 cán bộ công an, bộ đội biên phòng, công an xã, bảo vệ dân phố đã anh dũng hy sinh,  hơn 100 cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị phơi nhiễm HIV.

 

Mặc dù công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp: Tình trạng tái nghiện còn cao, cai nghiện chưa hiệu quả; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện hút ma túy và từ họ lây lan ra cộng đồng đang ở mức đáng lo ngại; tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá trong tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh có xu hướng gia tăng và rất đáng báo động; các loại ma túy ngày càng đa dạng và dễ sử dụng; hoạt động của tội phạm tổ chức, xuyên quốc gia về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, sẵn sàng sử dụng "vũ khí nóng" chống trả các lực lượng chức năng khi bị truy bắt. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.

 

Ðể thiết thực hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma túy", "Ngày toàn dân phòng, chống ma túy" và "Ngày thế giới phòng, chống ma túy" với chủ đề "Toàn cầu chung sức hành động vì một cộng đồng lành mạnh không ma túy", trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:

 

 - Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy tới các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh. Ða dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên về tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Ðưa kiến  thức pháp luật về phòng, chống ma túy vào giảng dạy trong nhà trường với tính chất là môn học bắt buộc.

 

- Các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/T.Ư và Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các đề án của Chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, qua đó huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống ma túy. Phát động toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại cộng đồng dân cư. Tổ chức thực hiện Chương trình xóa bỏ và thay cây có chứa chất ma túy ở các tỉnh miền núi, trong đó chú trọng tổ chức các dịch vụ tiêu thụ nông sản thực phẩm và nâng cao hiệu quả các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho đồng bào trước đây trồng cây thuốc phiện, để họ có cuộc sống tốt hơn, tự nguyện xóa bỏ việc trồng và tái trồng cây có chất ma túy.

 

- Các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá các vụ án sản xuất, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về ma túy trong nước và ngăn chặn ma túy từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.

 

- Ðề cao trách nhiệm của gia đình, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc quản lý, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai nghiện, nhân rộng mô hình xã, phường, thôn, ấp, bản không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội khác; xây dựng nhiều phòng tuyến ngăn chặn tội phạm và hiểm họa ma túy từ cơ sở. Huy động nhiều nguồn vốn, tăng cường đầu tư, xây dựng, quản lý trung tâm cai nghiện có hiệu quả.

 

 - Tiếp tục tăng cường hợp  tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống ma túy, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy; góp phần nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường trang bị, phương tiện phòng, chống ma túy cho các lực lượng chức năng trong nước.

 

- Lồng ghép việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy với Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

 

Cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy còn nhiều cam go và khó khăn phía trước đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng đồng sức, đồng lòng, chung tay đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trong thanh thiếu niên, nhằm giảm thiểu thiệt hại do ma túy gây ra cho xã hội, cho mỗi gia đình và mỗi người.

 

Thượng tướng, GS, TS Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị,

Bộ trưởng Công an, Phó Chủ tịch UBQG phòng, chống ma túy

 

 

Theo Nhân Dân online

 

Tệp đính kèm