* 11 kinh nghiệm làm bài thi
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học (khối THPT) và Hóa học (khối Giáo dục thường xuyên)sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Trong quy trình tổ chức thi, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa quy định về làm bài thi trắc nghiệm.
Không chấm điểm bài có dấu hiệu riêng
Thí sinh (TS) làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) được in sẵn theo quy định của Bộ GD-ĐT, để chấm bằng hệ thống tự động. Phiếu TLTN có đủ 10 mục cho TS điền thông tin: Tỉnh/thành phố, Hội đồng, Phòng thi, Họ và tên TS, ngày sinh, chữ ký của TS, môn thi, ngày thi,số báo danh, mã đề thi.
Khi nhận đề thi, TS phải để đề thi dưới tờ phiếu TLTN; không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép. Khi được sự cho phép của giám thị, TS bắt đầu xem đề thi và phải kiểm tra đề thi để đảm bảo: đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường, TS phải báo ngay cho giám thị.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: phiên bản đề thi trắc nghiệm năm nay sẽ tăng để hạn chế tình trạng quay cóp, gian lận trong quá trình thi. Bên cạnh đó, cùng với quá trình làm đề thi thì đáp án của mỗi môn cũng được xây dựng hết sức chi tiết, ba-rem chấm sẽ được chia nhỏ đến 0,25 điểm.
Ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi. Đề thi có mã số riêng, TS xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi; sau đó dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu TLTN bằng bút mực, bút bi...
Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, TS tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu TLTN. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
Ký tên vào 2 phiếu thu bài
TS làm bài xong phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, TS phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt phiếu TLTN lên trên đề thi; chờ nộp phiếu TLTN theo hướng dẫn của giám thị. TS không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, TS phải ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.
TS chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép TS ra về.
Trong quá trình thu phiếu TLTN, giám thị phải kiểm tra kỹ việc ghi và tô mã đề thi vào phiếu TLTN của TS (so sánh mã đề thi đã ghi trên phiếu TLTN và ghi trên phiếu thu bài thi với mã đề thi ghi trên tờ đề thi của TS; việc tô chì trong mục 10 tại các ô có tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột hay không). Thu phiếu TLTN của TS nào thì yêu cầu TS đó ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.
Toàn bộ phiếu TLTN và một bản phiếu thu bài thi (đã ghi mã đề thi và chữ ký TS) bỏ vào túi bài thi để nộp cho lãnh đạo hoặc thư ký hội đồng coi thi, rồi cùng niêm phong và ký tên. Một bản phiếu thu bài thi còn lại để bên ngoài túi bài thi được bàn giao cho hội đồng coi thi. Thời gian làm bài đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là 60 phút.
11 kinh nghiệm làm bài thi
Ông Trần Công Thành - Phó trưởng phòng Khảo thí - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra những kinh nghiệm (do Cục Khảo thí xây dựng) để TS tham khảo trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm, đó là:
1. Đề thi gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, không có trọng tâm cho mỗi môn thi, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán "tủ", học "tủ".
2. Gần sát ngày thi, nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem kỹ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi. Không nên làm thêm những câu trắc nghiệm mới vì dễ hoang mang nếu gặp những câu trắc nghiệm quá khó.
3. Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang "tài liệu trợ giúp" vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của TS khác trong phòng thi, vì các TS có đề thi hoàn toàn khác nhau.
4. Trước giờ thi, nên ôn lại toàn bộ quy trình thi trắc nghiệm để hành động chính xác và nhanh nhất, vì có thể nói, thi trắc nghiệm là cuộc chạy "marathon".
5. Không phải loại bút chì nào cũng thích hợp khi làm bài thi trắc nghiệm. Nên chọn loại bút chì mềm. Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn mà nên mài dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen ô trả lời. Khi tô, cần cầm bút chì thẳng đứng để làm được nhanh. Nên có vài chiếc bút chì đã gọt sẵn để dự trữ khi làm bài.
6. Theo đúng hướng dẫn của giám thị, thực hiện tốt và tạo tâm trạng thoải mái trong phần khai báo trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bằng cách đó, TS có thể củng cố sự tự tin khi làm bài.
7. Thời gian là một thử thách khi làm bài trắc nghiệm. TS phải hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian, phải vận dụng kiến thức, kỹ năng để nhanh chóng quyết định chọn phương án trả lời đúng.
8. Nên để phiếu trả lời trắc nghiệm phía tay cầm bút (thường là bên phải), đề thi để phía bên kia: tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu và tô vào ô trả lời được lựa chọn (tránh tô nhầm sang dòng của câu khác).
9. Nên bắt đầu làm bài từ câu số 1, lần lượt lướt nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đánh dấu trong đề thi những câu chưa làm được. Lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề. Sau đó, quay trở lại làm những câu đã tạm thời bỏ qua. Lưu ý, khi thực hiện vòng hai cũng cần khẩn trương. Nên làm những câu tương đối dễ hơn, bỏ lại những câu quá khó để giải quyết trong lượt thứ ba, nếu còn thời gian.
10. Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại đâu là phương án đúng.
11. Cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất, không nên để trống (không trả lời) một câu nào.
Theo Thanh Niên