Bài 1: Nháo nhào “chạy trường”
sCòn đến hai tháng nữa các trường tiểu học mới chính thức nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. Nhưng trong những ngày qua, cha mẹ các em tại TP.HCM và Hà Nội đã phải nháo nhào “chạy trường”.
Tưởng rằng với quy định “trường tiểu học không được nhận học sinh (HS) lớp 1 trái tuyến ngoài quận huyện” (của Sở GD-ĐT TP.HCM) thì tình trạng “chạy trường” sẽ giảm; nhưng mới tháng 3 - khi năm học cũ vẫn chưa kết thúc, chị N.H. - nhân viên văn phòng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - đã đi dò hỏi khắp nơi để xin cho cô con gái vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3.
Chị cho biết: “Tôi đã tham khảo thông tin từ nhiều phía, thấy Nguyễn Thái Sơn là trường có bề dày kinh nghiệm về giáo dục, lại nằm trên con đường ít xe cộ đi lại, con mình đỡ phải hít khói bụi và chịu đựng tiếng ồn. Một người bạn mách nước phải nhờ người nào làm ở UBND Q.3 viết giùm một lá thư tay là xong, phòng GD-ĐT sẽ không dám từ chối đâu. Nhưng mới đây đọc báo thấy nói không cho HS ở quận này sang học tại quận khác, tôi lo lo, lỡ mình chuẩn bị đủ thứ mà đến phút cuối con mình không có tên trong danh sách, chẳng lẽ chịu thất học! Thế nên phải chọn giải pháp xin chuyển hộ khẩu về P.8, Q.3 (địa bàn Trường Nguyễn Thái Sơn trú đóng) cho chắc ăn”.
TP.HCM: chạy và... chạy!
Tương tự, anh T. (nhà ở Q.7, TP.HCM) nhưng lại chọn Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 cho đứa con duy nhất của mình. Anh bảo: “Nếu năm nay cách phân tuyến của Phòng GD-ĐT Q.1 như những năm trước thì HS P.Đa Kao đương nhiên sẽ có giấy báo gọi nhập học lớp 1 tại Trường Đinh Tiên Hoàng hoặc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà xã tôi đang đi làm thủ tục nhập hộ khẩu cho “cục cưng” vào P.Đa Kao. TP đã có quy định “các trường phải nhận 100% HS 6 tuổi vào lớp 1 hệ công lập”, nếu “cục cưng” nhà tôi không vào được Đinh Tiên Hoàng thì vào Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tốt, toàn trường xịn”.
Trên thực tế không phải phụ huynh nào “chạy trường” cũng vì lý do “nhất định phải cho con học trường tốt nhất”. Những ngày đi thực tế, chúng tôi đã gặp nhiều phụ huynh “chạy trường” chỉ vì “nhà ở quận này nhưng đi làm ở quận khác”. Mấy hôm nay anh N.M. và vợ tranh luận đến mức gần như cãi nhau (theo lời của anh) về việc cho con học lớp 1 ở đâu. Hộ khẩu gia đình anh ở Q.Phú Nhuận, theo đúng tuyến con anh sẽ học Trường Trung Nhất - một trường khá nổi tiếng mà nhiều phụ huynh mơ ước. Vậy nhưng vợ anh M. nhất định xin chuyển hộ khẩu cho con về P.14, Q.10 vì “từ chỗ làm của hai vợ chồng chỉ đi vài bước là đến Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10). Nếu con tôi được học ở đó thì đưa rước sẽ thuận tiện hơn. Tôi đã làm phép thử: 5g chiều tan sở, lấy xe chạy ngay về Trường Trung Nhất nhìn đồng hồ đã 6g chiều. Trong khi đó, 4g30 các bé đã tan học. Một giờ rưỡi con tôi cù bất cù bơ trong khi xã hội đầy rẫy tệ nạn làm sao tôi an tâm được”.
Không những thế, có trường hợp học tại quận khác còn gần hơn quận nhà nên cũng phải “chạy”. Như anh Hải Đăng, nhà ở P.5, Q.Bình Thạnh, theo đúng tuyến con anh sẽ học tại Trường tiểu học Yên Thế: “Vượt qua 2-3 chặng kẹt xe mới tới trường. Trong khi con tôi chỉ cần bố dẫn đi bộ vài bước là đến Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền. Khổ nỗi Nguyễn Thượng Hiền thuộc Q.Gò Vấp”.
Ông Đinh Thiện Căn, phó Phòng GD-ĐT Q.1, kể: “Mùa tuyển sinh năm học 2008-2009, số trẻ 6 tuổi tại Q.1 “đội” lên rất cao. Theo đúng quy định của TP, phòng GD-ĐT phải sắp xếp chỗ học cho các em. Nhưng vì số chỗ học ở những trường được phụ huynh tín nhiệm có hạn nên chúng tôi đã xếp các em vào học tại các trường ít nổi tiếng hơn. Tức là không thể đáp ứng đúng nhu cầu phụ huynh khi chạy hộ khẩu. Ví dụ các cháu ở P.Đa Kao sẽ được xếp qua học ở Trường Trần Quang Khải hoặc Trần Khánh Dư”.
Hà Nội: những con đường vòng vèo đến “trường điểm”
Khoảng ba năm nay, lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội duy trì chủ trương giảm HS trái tuyến. Nhưng những cuộc đua vào các trường này vẫn ngày càng quyết liệt hơn. Một cô giáo dạy văn Trường THCS Trưng Nhị, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, trường vừa mới được nhấc sang danh sách “trường điểm”, cho biết: không phải tất cả giáo viên (GV) mà chỉ một số GV đạt yêu cầu về thi đua được tiêu chuẩn đăng ký học trái tuyến. Việc đăng ký này cũng phải được thực hiện từ khoảng tháng 1 hằng năm, ghi rõ tên tuổi, mối quan hệ của người học với GV để tránh tiêu cực. Tuy nhiên, không phải năm nào GV cũng có con, cháu nhập học. Đây là vấn đề tế nhị không cần phải làm sáng tỏ và họ hiểu ngầm với nhau về việc GV có thể “xin học” cho bất cứ ai, miễn là nằm trong tiêu chuẩn họ được hưởng.
Một số trường điểm tại Hà Nội cũng phải áp dụng giải pháp “bình bầu tiêu chuẩn”, theo đó lãnh đạo nhà trường sẽ được quyền có một số suất “ngoại giao”, xếp sau là tổ trưởng chuyên môn, GV dạy giỏi... Cấp trường là thế, bên trên còn có cấp phòng, cấp sở, cấp trung ương, danh sách “ngoại giao” được chuyển đến từ những người có uy tín ở những lĩnh vực mà ngành GD-ĐT, các trường không thể bỏ qua - mỗi cấp một danh sách. Những danh sách này sẽ được đặt ra bàn để soát xét lần cuối, cân nhắc xem gạt bớt trường hợp nào, phải để trường hợp nào. Những danh sách xin trái tuyến thể hiện sự đan xen các mối quan hệ chằng chịt khiến việc “chạy trường” khó giải quyết dứt điểm.
Cùng đến Trường tiểu học Trưng Vương, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội để dò hỏi thông tin về “trái tuyến”, chị Kiều Anh, một phụ huynh có con năm tới học lớp 1, trao đổi kinh nghiệm với chúng tôi: “Tôi nghe nói có một con đường khá thuận lợi là làm quen với một cô giáo có khả năng được tiêu chuẩn xin học cho người nhà, đăng ký cho con học thêm cô giáo trong hè và nhờ cô luôn, chi phí thế nào có thể cô sẽ trao đổi thẳng thắn, có thể tùy tình hình mà liệu!”. Kinh nghiệm trên không phải không có lý.
Ông hiệu trưởng Trường Nguyễn Trường Tộ, Q.Đống Đa, Hà Nội, khi được hỏi về chuyện “chia suất” cho GV đã thẳng thắn nói: “Hằng năm có một số chỉ tiêu cho trái tuyến chúng tôi ưu tiên cho GV của trường, nhưng chỉ GV dạy giỏi, đạt thành tích. Xem đây như một yếu tố để khuyến khích GV phấn đấu. Phần lớn GV khi đăng ký đều nói xin cho con, cháu hoặc người có mối quan hệ không thể từ chối...”.
Có một bộ phận cha mẹ HS chọn con đường chật vật hơn nhưng chắc chắn hơn là chuyển khẩu cho con về gần trường và xin học theo diện đúng tuyến. Chị Hạnh, công an hộ tịch P.Giảng Võ, một phường có nhiều trường điểm của Hà Nội, cho biết: theo luật cư trú mở rộng, việc chuyển hộ khẩu hay trù trừ không cắt hộ khẩu khi nhà đã chuyển đi được chấp nhận dễ dàng, miễn là hợp lệ trên giấy tờ. Để tránh việc “chạy trường” bằng cách chuyển hộ khẩu, một số trường tại Hà Nội như Trường tiểu học Kim Đồng, THCS Giảng Võ... đã đặt ra quy định: chỉ giải quyết theo diện “đúng tuyến” cho những trường hợp HS đã nhập hộ khẩu từ hai năm trở lên ở địa bàn phường. Nhưng để đối phó với chủ trương này, có những hộ dân chuyển hộ khẩu cho con từ khi mới 2-3 tuổi.
(còn tiếp)
Theo Hoàng Hương - Vĩnh Hà / Tuổi Trẻ