Cập nhật: 22/07/2009 21:59:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðợt thi thứ ba dành cho khối các trường cao đẳng trên cả nước đã khép lại kỳ tuyển sinh ÐH, CÐ 2009. Mùa tuyển sinh năm nay đã kết thúc với nhiều chuyển biến tích cực và được dư luận đánh giá cao từ khâu tổ chức đến ra đề thi.

 

Ðề thi hay, kỷ luật phòng thi nghiêm túc

 

Nếu không có những sự cố "nhỏ" liên quan tới việc in sao đề ở cụm thi Quy Nhơn hay trích dẫn trong đề thi văn, thì công tác đề thi năm nay có thể coi là toàn vẹn. Ðề thi được các giáo viên và dư luận đánh giá là hay, hiệu quả trong việc phân loại thí sinh. Nội dung đề thi bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, bảo đảm yêu cầu chung của đề thi tuyển sinh đại học, phù hợp với thời gian làm bài. Ðặc biệt, đề thi môn văn khối C và khối D ra theo hướng mở được đánh giá cao vì có khả năng khai thác tư duy phân tích, ý tưởng, phát huy được tính sáng tạo của thí sinh trong quá trình làm bài. Ðề thi thật sự là đề tuyển sinh, bảo đảm sự chính xác về kiến thức, học sinh có tư duy tốt, kiến thức chắc chắn mới có thể đạt điểm tối đa. Ðồng thời tránh được tình trạng thí sinh học lệch, học tủ, gian lận trong thi cử. Ðây cũng là mặt tích cực trong kỳ thi năm nay nên đã giảm được tình trạng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi.

 

Mùa thi ÐH, CÐ 2009, số lượng thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi đều giảm nhiều so với năm trước. Theo số liệu của Bộ GD-ÐT, chỉ tính riêng hai đợt thi tuyển sinh ÐH, số lượng thí sinh và giám thị bị vi phạm kỷ luật đã giảm rõ rệt. Số thí sinh và cán bộ vi phạm quy chế thi giảm cả về số lượng và mức độ vi phạm so với năm 2008. Cụ thể năm 2009, có 275 thí sinh bị kỷ luật, trong đó có 204 bị đình chỉ (năm 2008 có 365 thí sinh bị xử lý kỷ luật với 259 bị đình chỉ). Về cán bộ coi thi, năm 2009 có 16 trường hợp bị kỷ luật, giảm một nửa so với năm 2008. Vi phạm giảm nhiều trong đợt thi có nhiều khối thi và môn thi tự luận là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ kỷ luật tại các điểm thi được siết chặt, cán bộ làm công tác tuyển sinh nghiêm túc thực hiện các quy định của quy chế và ý thức của các thí sinh cũng nâng lên. Kết thúc mỗi buổi thi, không còn cảnh "phao" thi bị vứt bừa bãi tại các điểm thi. Có được kết quả này, các chuyên gia giáo dục cho rằng, do công tác chuẩn bị đã được Bộ GD-ÐT triển khai sớm, tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, nhất là cán bộ coi thi; phổ biến rộng rãi đến các thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi về quy chế, nội quy. Ðồng thời, các biện pháp răn đe cũng nghiêm hơn, thí sinh đã có tính tự giác và tự trọng cao hơn.

 

Thí sinh "ảo" vẫn gây lãng phí lớn

 

Tại hai đợt thi ÐH, cả nước có 1.261.941 thí sinh dự thi (chiếm 70,07%) so với số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Có đến gần 30% thí sinh đăng ký dự thi là "ảo". Con số này tiếp tục tăng lên ở đợt thi dành cho các trường cao đẳng. So với hơn 530 nghìn thí sinh đăng ký dự thi ban đầu, tỷ lệ thí sinh đến thi CÐ chỉ đạt 58,24%. Trường cao đẳng Giao thông vận tải có số thí sinh dự thi đông nhất nước (34.000 hồ sơ) nhưng trong ngày làm thủ tục dự thi chỉ có 63,8% thí sinh đăng ký... Ðiều này cho thấy, hồ sơ "ảo" vẫn là vấn đề nan giải.

 

Về mặt nguyên tắc, với lượng hồ sơ đăng ký, các trường tổ chức thi phải lên kế hoạch để chuẩn bị các khâu từ việc tìm kiếm địa điểm thi, thuê cán bộ coi thi và chấm thi ngay từ đầu tháng ba. Với lượng thí sinh "ảo" như vậy, dù tính toán giỏi đến đâu các cơ sở đào tạo cũng phải bù lỗ một khoản không nhỏ. Ðây là một sự lãng phí lớn trong thi cử. Chẳng hạn, ÐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh với số lượng  đăng ký nằm trong "top" những trường đông nhất, ước tính phải bù lỗ hơn 900 triệu đồng cho hơn 35.000 thí sinh "ảo" đăng ký thi. Ngay cả ÐH Ngoại thương Hà Nội vốn có lượng thí sinh đăng ký không quá đông, chỉ xấp xỉ 6.000 hồ sơ nhưng cũng phải bù lỗ khoảng 350 triệu đồng cho việc tổ chức thi vì lượng thí sinh "ảo" lên tới 50%...

 

Theo thống kê ban đầu, tại hai đợt thi ÐH, các trường, học viện đã chuẩn bị gần 2.000 điểm thi với hơn 49.000 phòng thi (tăng 840 phòng thi so với năm 2008); huy động hơn 125.000 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Trong khi đó, lẽ ra, ở đợt 1, 93 trường chỉ phải lo tổ chức thi cho 638.192 thí sinh dự thi, nhưng vì số ảo nên đã phải lo chuẩn bị một kỳ thi cho 930.255 thí sinh (số đăng ký dự thi). Ðợt 2, thay vì chuẩn bị cho 623.749 thí sinh thì 98 trường đã phải lo cho 870.755 thí sinh. Với 191 lượt trường tổ chức thi, ngành giáo dục phải bù lỗ khoảng 18 tỷ đồng cho 30% thí sinh "ảo". Không chỉ lãng phí tiền của và công sức, hồ sơ "ảo" còn khiến cho kỳ thi trở nên cồng kềnh. Quy mô lớn kéo theo hàng loạt vấn đề: phải thuê cả những địa điểm thi quá xa, dùng cả trường tiểu học; huy động cả sinh viên và nhờ cả giáo viên phổ thông trông thi; phải in một số lượng đề thi lớn gấp 1,3 lần, việc chuẩn bị phương tiện, chỗ ăn, ở cho hàng triệu thí sinh, người thân khiến cả xã hội trở nên căng thẳng, phức tạp...

 

Ðể gỡ khó cho các trường, năm nay Bộ GD-ÐT đã đề xuất với Bộ Tài chính tiếp tục cấp bù 10.000 đồng/thí sinh dự thi thực tế. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhưng một phương án thi tối ưu hơn, theo Bộ GD - ÐT,  lại cần có một lộ trình.

 

Ðặt "ngưỡng" cho thí sinh dự thi vào ÐH?

 

Với việc tổ chức thi "ba chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), hồ sơ "ảo" là thực tế phải chấp nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn chấm dứt tình trạng hồ sơ "ảo" chỉ còn cách đặt ra quy định mỗi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào một trường. Tuy nhiên, theo TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng ÐH và sau ÐH: "Các trường chỉ có một hồ sơ thì yên tâm sắp xếp, tổ chức thi. Nhưng phần thiệt thòi, khó khăn sẽ thuộc về thí sinh. Bởi thời điểm tháng 3, tháng 4 khi thí sinh nộp hồ sơ ÐKDT vẫn có nhiều thí sinh chưa xác định được chắc chắn ngành nghề mình sẽ chọn. Do đó không thể "đặt" ra quy định mỗi người thi một trường, thí sinh sẽ mất quyền lợi". Có phương án đề xuất lệ phí đăng ký dự thi tuyển sinh sẽ tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng một hồ sơ; lệ phí dự thi tăng từ 20.000 lên 30.000 đồng một thí sinh để hạn chế hồ sơ "ảo" . Tuy nhiên phương án này chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính.

 

Số lượng thí sinh dự thi ÐH, CÐ ngày một tăng cho thấy, mong ước học đại học của các học sinh rất cao. Hằng năm, khoảng hơn 1,2 triệu thí sinh thi nhưng chỉ 200 nghìn trúng tuyển, tức chỉ chưa đến 20% số học sinh tốt nghiệp THPT có khả năng học lên. Kết quả thi ÐH nhiều năm qua cho thấy, có đến quá nửa số bài thi dưới điểm trung bình, ở những môn tự luận số bài bị điểm 0 thì cũng đến hàng nghìn. Cũng theo số liệu thống kê, địa phương có điểm trung bình của ba môn thi cao nhất cũng chỉ đạt 13,58, còn thấp nhất chỉ 8,89 điểm. Nhiều thí sinh biết là sức học của mình không thể thi đỗ nhưng vẫn đi thi. Nhiều học sinh đi thi theo phong trào mà không nhận biết được rằng, vào ÐH, CÐ không phải là con đường duy nhất, vẫn còn nhiều cánh cửa, ngành nghề phù hợp để các em bước vào đời.

 

Có ý kiến cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, cùng với công tác hướng nghiệp được tổ chức một cách hiệu quả từ những năm học phổ thông, đặt "ngưỡng" là giải pháp hợp lý nhất trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh những trường không có yêu cầu cao hoặc đặc biệt không cần đặt "ngưỡng", nên cho phép một số trường, nhất là trường chất lượng cao được phép đặt ra tiêu chuẩn với thí sinh khi đăng ký dự thi vào trường (như một số trường, học viện thuộc khối quân đội, an ninh và đòi hỏi năng khiếu). Quyền của thí sinh vẫn được tôn trọng, song sẽ góp phần làm giảm đáng kể số lượng thí sinh đăng ký dự thi cũng như số lượng hồ sơ ảo. Ðây cũng là một giải pháp phân luồng hợp lý để thí sinh lựa chọn trường, ngành đáp ứng nguyện vọng nhưng đồng thời phù hợp khả năng của mình.

 

 

Theo ND

 

Tệp đính kèm