Cập nhật: 02/09/2009 15:30:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm học 2009-2010, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào chỉ thị về nhiệm vụ năm học.

Thay vì nhồi nhét quá nhiều kiến thức, học sinh sẽ được trang bị những kỹ năng sống để ý thức được giá trị của bản thân trong mối quan hệ xã hội, từ đó có được niềm tin vào bản thân, vào xã hội và cuộc sống để có thể đương đầu và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

 

Học sinh đang thiếu kỹ năng sống

 

Những năm gần đây, việc trẻ vị thành niên phạm tội không những không được hạn chế mà còn có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, xuất hiện những vụ án giết người, cố tình gây thương tích mà đối tượng gây án là học sinh và nạn nhân chính là bạn học và thầy cô của họ. Bên cạnh đó là sự bùng phát hiện tượng học sinh phổ thông hút thuốc lá, uống rượu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục sớm..., thậm chí là tự sát khi gặp vướng mắc trong cuộc sống hay học tập. Có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên, trong đó có một nguyên nhân được coi là nguồn gốc sâu xa  là các em thiếu kỹ năng sống. Đơn giản là các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập kém,...

 

Các em cũng không được dạy để hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống nên sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội và nhiều khi ngay cả mạng sống của mình cũng bị chính các em từ bỏ một cách không thương tiếc.  Hàng chục vụ nhảy cầu tự tử hằng năm phần lớn ở lứa tuổi HS-SV.

 

Có một thực tế là việc giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có kỹ năng sống, ở nước ta còn rất hạn chế. Hiện nay trường học của chúng ta dường như mới chỉ quan niệm dạy học là dạy kiến thức chứ chưa dạy các em thái độ, kỹ năng sống trong các mối quan hệ (quan hệ với con người, quan hệ với môi trường thiên nhiên,...). Có nhiều em học rất giỏi, nhưng ngoài điểm số cao, các  em mới chỉ biết ăn, ngủ, học và vui chơi, trong khi đó khả năng tự vấn, tự chủ và kỹ năng giao tiếp rất kém. Về phía nhà trường, giáo viên đến lớp, mở sách, giáo án ra là đọc, giảng một hồi, trống hết giờ thì ra khỏi lớp. Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, có khi cả tuần mới sinh hoạt lớp một lần nhưng cũng không nắm chắc được tình hình của từng học sinh, nhất là đối với các em có vấn đề rắc rối về gia đình hoặc bản thân. Nhiều học sinh cho rằng, những buổi sinh hoạt lớp nếu có cũng chỉ là xem trong tuần vừa rồi lớp có vấn đề gì không, có ai vi phạm thì xử lý khiến những học sinh cá biệt, “có vấn đề” tìm cách trốn tránh, nếu phải đối diện thì tỏ ra lo sợ hoặc tỏ thái độ bất cần. Đó là một khiếm khuyết rất lớn trong giáo dục và đào tạo học sinh, trong đó dường như chúng ta mới chỉ nghiêng về đào tạo mà coi nhẹ phần giáo dục toàn diện cho học sinh.

 

Muộn còn hơn không

 

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kỹ năng sống được chia thành 2 loại là kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân, lĩnh hội và tư duy, với 10 yếu tố như: tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người khác, ứng phó với các tình huống căng thẳng và cảm xúc, biết cảm thông, tư duy bình luận phê phán, ra quyết định, giao tiếp hiệu quả và thương thuyết. Chính vì vậy, giáo dục kỹ năng sống là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Trên thực tế, ở một số thành phố lớn, các bậc phụ huynh đã không thể ngồi chờ ngành GD&ĐT mà đã đến các trung tâm tư nhân hoặc liên kết với nước ngoài để “nhờ” họ trang bị cho con mình kỹ năng sống. Hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số các trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ em, tuy nhiên do đặc thù về thời gian của các em học sinh là phần lớn thời gian phải đến trường nên việc tham gia các khóa học kỹ năng này chỉ thực hiện được vào kỳ nghỉ hè và mỗi khóa học cũng chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày. Một số phụ huynh từng cho con tham gia các khóa học này  nhận xét các cháu có những chuyển biến khá tốt.  Anh Lê Đức Tôn ở đường Bưởi cho biết: “Chúng tôi không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để kèm cặp các con và đưa đón chúng. Tôi muốn các con tôi tự lập, không phụ thuộc, không ỉ lại vào bố mẹ. Chúng tôi muốn tạo tâm lí tự chủ từ bé cho chúng nên đã cho con tham dự khóa học này. Nói chung là thấy có hiệu quả tốt, tuy nhiên nếu ở trường cũng dạy các em những vấn đề này thì sẽ rất tốt vì các em được rèn luyện liên tục”.

 

Nhiều chuyên gia về tâm lý và giáo dục cho rằng chúng ta nên học hỏi những tiến bộ của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới bởi giáo dục toàn diện chính là mô hình giáo dục hướng vào học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Trước hết, học sinh cần được dạy để biết làm chủ bản thân, để giao tiếp tốt với mọi người và có khả năng giải quyết khi gặp những vấn đề rắc rối.

 

Việc Bộ GD&ĐT năm nay sẽ đi những bước đầu tiên để đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào trường học bằng cách tích hợp vào các môn học, đặc biệt là môn giáo dục công dân được đánh giá là đã khá muộn, nhưng dù sao cũng là một động thái tích cực trong việc cải cách giáo dục.

 

 

Theo Báo VanHoa Online

Tệp đính kèm