Làm sao để đảm bảo chuẩn đầu ra và tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục là những vấn đề được các trường đại học quan tâm khi triển khai nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 này.
30 năm vẫn chưa có chuẩn đầu ra…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường ĐH, ông Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nêu một số khó khăn khi đảm bảo chuẩn đầu ra.
Mặc dù đã xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành được 1 năm nhưng ông Cần nêu một thực tế không chỉ riêng ở trường mình, đó là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên rất thấp. Khảo sát của nhà trường cho thấy, chỉ có 10% sinh viên đáp ứng được chuẩn ngoại ngữ đầu ra nếu học theo phương pháp và thời lượng như hiện nay. Hiện thực hóa chuẩn đầu ra không phải chỉ là trách nhiệm của giảng viên, mà của cả sinh viên. Hiện nay trường đang thực hiện rà soát chương trình đào tạo, nội dung môn học, phương pháp dạy học và cách học của sinh viên. Vì vậy, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) cần có biện pháp hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện quy định này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Trần Quang Quý cũng thừa nhận: Thực tế gần 30 năm qua, chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học (ĐH) vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường ĐH, CĐ (chuẩn năng lực của người tốt nghiệp); chưa giữ được chuẩn của nhiều yếu tố đầu vào như: giáo viên, chương trình, giáo trình… và đặc biệt chưa có báo cáo hàng năm về chất lượng các trường và cả hệ thống giáo dục ĐH.
“Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo năm 2009 - 2012 được ngành giáo dục đề ra là: Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đầu vào của hệ thống giáo dục đại học”- ông Quý nhấn mạnh. Trong đó, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chuẩn hóa chất lượng chương trình đào tạo, giáo trình… Từ năm 2010, mỗi năm cứ có khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ trong nước, 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài. Đặc biệt từ năm học này (2009 - 2010) sẽ thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Về vấn đề chuẩn hóa và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo sẽ thông qua hội đồng các hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ cùng nhóm ngành để thống nhất chương trình đào tạo khung của các ngành do trường đào tạo, phân công viết giáo trình dùng chung cho các trường.
Làm gì để tăng quyền tự chủ?
Theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, việc tự chủ gắn với trách nhiệm của các trường chỉ có thể làm được khi Chính phủ và Bộ GD-ĐT ban hành đầy đủ các quy chế, các quy định liên quan đến đến các mặt hoạt động của các trường. Tuy nhiên thời gian qua, các quy chế, quy định này chưa đầy đủ nên việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục còn hạn chế. “Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của các trường (các quy chế, quy định về đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học…) trước tháng 6/2010. Các trường ĐH, CĐ thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển của trường như: Rà soát và hoàn thiện các quy định, quy chế của nhà trường, thực hiện 3 công khai, thực hiện tuyển dụng theo hợp đồng, trả lương gắn với hiệu quả đóng góp…, hoàn thành trước tháng 9/2010”- Thứ trưởng Quang Quý khẳng định.
Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm nay tập trung vào chủ đề năm học là: “Đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng và đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Vì thế, từ bây giờ các trường đại học, cao đẳng sẽ phải đánh giá tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm; xây dựng chuẩn đầu ra để đến năm 2010 thực hiện công bố chuẩn đầu ra. Tăng cường quản lí giảng dạy, học tập, thi cử và vận động toàn trường chấm dứt tiêu cực trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp.
Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năm học 2009 - 2010 là một mốc quan trọng, mang tính quyết định vì là năm học mở đầu cho giai đoạn ba năm thực hiện các giải pháp đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Do đó, Bộ sẽ sớm xây dựng quy định, cơ chế phối hợp với các bộ ngành, phân cấp cho địa phương. Sắp tới, sẽ quản lý giáo dục ĐH theo hướng: Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm chính ban hành quy định, chương trình đào tạo…; các địa phương, trực tiếp là Sở GD-ĐT, chủ yếu giúp Bộ trong công tác kiểm tra toàn bộ các trường nằm trên địa bàn./.
Theo Báo TNVN