Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, từ năm 2009 đến năm 2012 phải tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường". Theo đó, yêu cầu lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tuổi, ngành nghề, vùng miền theo hướng kết hợp lý luận thực tiễn, học đi đôi với hành.
Phổ biến kiến thức pháp luật tới các cấp học
Đối với giáo dục mầm non, Đề án đưa một số nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình... vào các trò chơi ở lứa tuổi mẫu giáo nhằm hình thành một số yếu tố tâm lý ban đầu mang tính luật, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em vào học lớp 1.
Với giáo dục phổ thông, lứa tuổi này các em đã bắt đầu có ý thức và cảm nhận về xã hội rất tốt, cần chú trọng nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của học sinh. Chương trình môn học đạo đức, giáo dục công dân trong cấp học này phải có độ mở nhất định để có thể vận dụng phù hợp với từng vùng miền khác nhau.
Ở lứa tuổi lớn hơn là đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, cần tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật cơ bản cho tất cả sinh viên. Bảo đảm khi ra trường, sinh viên nắm được lý luận cơ bản về pháp luật để có thể tự tìm hiểu các ngành luật cần thiết.
Đối với các trường dạy nghề, Đề án hướng tới việc cung cấp các nội dung pháp luật cụ thể về lao động, hợp đồng và các quy định gắn với đặc thù của từng ngàng nghề.
... dưới nhiều hình thức sinh động
Thay vì việc truyền tải đến học sinh các kiến thức pháp luật một cách khô cứng, Đề án đặt yêu cầu triển khai có chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp. Cần cập nhật các kiến thức pháp luật mới, tạo niềm tin, tình cảm pháp luật cho người học, tạo cảm hứng cho học sinh trong các giờ giáo dục công dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viến làm công tác phổ biến pháp luật.
Ở cấp Trung học phổ thông, không thể để giáo viên kiêm nhiệm dạy môn Gáo dục công dân mà cần có giáo viên chuyên ngành, chuyên trách giảng dạy bộ môn này.
và tiến tới thi Olympic về pháp luật trong toàn quốc
Bên cạnh đó là cần tổ chức thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học về phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân. Cơ sở đại học, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức thi Olympic về pháp luật trong sinh viên hàng năm, tiến tới tổ chức thi Olympic về pháp luật trong toàn quốc.
Để hỗ trợ cho việc dạy và học kiến thức pháp luật có hiệu quả, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng danh mục, sản xuất bộ mẫu thiết bị phục vụ giảng dạy pháp luật phù hợp từng cấp học để sử dụng thống nhất, hiệu quả trong toàn ngành.
Theo chinhphu.vn