Cập nhật: 03/12/2009 22:37:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kinh nghiệm đào tạo giáo viên tại các nước phát triển là một trong những nội dung được quan tâm tại hàng loạt các hội thảo về mô hình đào tạo giáo viên THPT và TCCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Chuyên gia quốc tế, TS. Cary J.Trexler, Trường ĐH California, Davis Hoa Kỳ cho biết, Chính phủ liên bang thực thi sự kiểm soát đối với các bang về giáo dục thông qua yêu cầu các bang. Toàn bộ ngành giáo dục chịu sự quản lý của bang. Tại bang California có Sở Giáo dục và Hội đồng cấp chứng chỉ kiểm định giáo viên, chịu trách nhiệm kiểm định, cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên. Lương giáo viên do các trường tự quyết định, thang lương tính cả theo trình độ và số năm công tác.

Mô hình đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ có thời gian 4 hoặc 5 năm và thực hành giảng dạy ở chương trình đào tạo 5 năm được đánh giá là nhiều và tốt hơn. Mô hình đào tạo song song cho giáo viên phổ thông; mô hình đào tạo song song và cả nối tiếp cho giáo viên các trường dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp…Khả năng chuyên môn của giáo viên được kiểm định qua 1 bài kiểm tra cụ thể hoặc học qua chương trình đào tạo được Ủy ban kiểm định chất lượng giáo viên duyệt. Tại California, bang hỗ trợ đào tạo tập huấn cho giáo viên trong quá trình tập sự để tham dự kỳ thi cấp phép giảng dạy cho giáo viên. Bồi dưỡng giáo viên ở Hoa Kỳ do các bang, trường thực hiện.

Về hệ thống và mô hình đào tạo giáo viên ở CHLB Đức, theo TS.Nguyễn Văn Cường, trường ĐH Posdam, Bộ Giáo dục Văn hóa chịu trách nhiệm về đội ngũ giáo viên, các trường và địa phương chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Giáo dục phổ thông do bàn quyết định, trường đại học có tính tự chủ cao. Lương giáo viên của Đức đứng thứ 3 trên thế giới.

Cấu trúc của hệ thống giáo dục Đức được cho là phức tạp. Giáo dục phổ thông kéo dài 13 năm (xu hướng xuống 12 năm) và có sự phân hóa rõ rệt. Trong các trường THPT đã có đào tạo nghề nghiệp (nghĩa vụ bắt buộc: 9 năm ở trường phổ thông và 3 năm học nghề). Ở Đức, do người học thích học nghề hơn học đại học nên tỷ lệ kỹ sư thấp (32 kỹ sư / 1000 người). Giáo dục nghề nghiệp của Đức chủ yếu là các trường dạy nghề chuyên nghiệp, thời gian học ngắn, chỉ khoảng 1 năm theo mô hình song hành. Chất lượng đào tạo ở các trường này rất tốt, chủ yếu theo mô hình song hành.

Tại Đức, các bang đều có chuẩn đào tạo giáo viên. Chuẩn gồm 4 lĩnh vực năng lực là dạy học, giáo dục, đánh giá, đổi mới và phát triển. Trước năm 2000, giáo viên Đức được đào tạo trong các trường ĐH Sư phạm nhưng sau năm 2000, giáo viên được đào tạo trong các trường đại học đa ngành và thực hiện theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Đức áp dụng mô hình đào tạo song song cho giáo viên phổ thông; mô hình đào tạo nối tiếp cho giáo viên các trường dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp. Về chương trình đào tạo, chương trình khung do bang xây dựng, trên cơ sở đó, các trường tự xây dựng chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông của Đức rõ ràng, cụ thể cho cả 2 cấp trình độ và cử  nhân và thạc sĩ, trong đó cử nhân 6 – 8 học kỳ, thạc sĩ 2 – 4 học kỳ.

Ở Đức, giáo viên tập sự là giai đoạn 2 của đào tạo giáo viên sau giai đoạn đào tạo đại học. Bồi dưỡng giáo viên do các bang và trường thực hiện với nhiều chương trình, nhiều cấp độ bồi dưỡng đa dạng, có hệ thống tư vấn hỗ tợ, có mạng bồi dưỡng trên internet.

Tại Anh, giáo viên có 5 loại: giáo viên tập sự, giáo viên, giáo viên chính, giáo viên giỏi và giáo viên cao cấp. Có chuẩn nghề nghiệp giáo viên cho cả 5 loại trên với khung chuẩn gồm 3 lĩnh vực: đặc điểm chuyên ngành, kiến thức và kỹ năng chuyên ngành. Chuẩn giảng dạy do các phòng chuẩn giáo dục xây dựng và thực hiện. Tổ chức đào tạo và phát triển TDA phối hợp với phòng Giáo dục để đảm bảo chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục, tổ chức đào tạo và cung cấp dịch vụ đào tạo… Hội đồng giảng dạy là cơ quan tổ chức đăng ký giáo viên và giám sát đánh giá hàng năm.

Ở Anh có 73 trường đại học cung cấp chương trình đào tạo giáo viên và có nhiều chương trình hỗ trợ cho giáo viên để phát triển năng lực nghề nghiệp và chuyên môn sư phạm. Có nhiều con đường để trở thành giáo viên ở Anh như: Mô hình song song (cử nhân chuyên ngành + cử nhân giáo dục); mô hình nối tiếp (cử nhân chuyên ngành + 1-2 năm sư phạm); mô hình đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua đánh giá giáo viên; đào tạo giáo viên sau đại học.

Tập huấn cho học viên sư phạm là các giáo viên có chuyên môn giỏi, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, chú trọng thực tập sư phạm chuyên ngành, có sự quan sát, rút kinh nghiệm cẩn thận các bài dạy lý thuyết và thực hành.

Ở Anh ứng dụng nhiều phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm. Chương trình đào tạo linh hoạt đáp ứng tối đa người học, thời gian tùy theo nội dung học tập, chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ linh hoạt… 

Hệ thống giáo dục của Úc gần giống với hệ thống giáo dục của các nước thuộc Vương quốc Anh. Có 2 loại cấu trúc hệ thống giáo dục cùng tồn tại ở Úc là 6-4-2 và 7-3-2 và không có sự đồng nhất về độ tuổi đi học.

Đào tạo giáo viên của Úc thay đổi qua nhiều thời kỳ và các chương trình đào tạo giáo viên đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu đào tạo và chú trọng nghiên cứu, đổi mới các phương pháp giáo dục và học tập trong đào tạo giáo viên.

Úc chưa có trường chuyên đào tạo giáo viên cho giáo dục kỹ thuật và dạy nghề, chủ yếu đào tạo theo mô hình nối tiếp (Giáo dục phổ thông – giáo dục kỹ thuật và dạy nghề - giáo dục đại học). Các khu vực được liên thông dọc và liên thông ngang với nhau. Giáo dục sau phổ thông đang được cơ cấu lại theo hướng các trường đa ngành, đa cấp học.

Chương trình đào tạo giáo viên do các trường xây dựng theo hướng dẫn, chuẩn đào tạo giáo viên của quốc gia và bang. Các chương trình được xây dựng phải có luận chứng để trình duyệt, thẩm định theo quy định. Cấu trúc chương trình gồm kiến thức chuyên ngành, phương pháp giáo dục, kiến thức, kỹ năng sư phạm, thực hành giảng dạy chuyên ngành…

Trình bày về kinh nghiệm đào tạo giáo viên ở Nhật Bản, chuyên gia quốc tế, TS. Norio Kato cho biết, hệ thống giáo dục của Nhật Bản tương đồng với hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ nhưng có nhiều nét riêng. Trường đại học sư phạm ở Nhật khi thành lập phải thông qua Ủy ban kiểm soát và Ủy ban kiểm tra để trình Bộ trưởng Bộ GD xét duyệt. Việc mở khóa đào tạo sư phạm phải có sự chấp nhận của Bộ GD thông qua kiểm định đào tạo. Việc kiểm định của Nhật được thực hiện 7 năm 1 lần thông qua 3 cơ quan: Hiệp hội đại học Nhật Bản, Viện đánh giá GD Nhật Bản; Tổ chức giáo dục quốc gia về đánh giá và văn bằng đại học. Ở Nhật, giáo viên được coi là nghề cao quý, chuyên nghiệp, được xã hội tôn vinh với mức lương cao hơn công chức 30%. Hệ thống gia hạn cho giáo viên ban hành năm 2009 và thời hạn 10 năm thông qua kiểm tra cấp phép giảng dạy.

Giáo viên phổ thông ở Nhật đều có bằng cử nhân thông qua học chương trình đào tạo đại học gồm các tín chỉ về đại cương, chuyên ngành, sư phạm. Sinh viên tốt nghiệp phải qua kỳ kiểm tra của Hội đồng cấp tỉnh để được cấp chứng chỉ giáo viên. Các trường đại học phát hành 3 loại chứng chỉ giáo viên: Giấy chứng nhận lớp hạng 2, Giấy chứng nhận lớp hạng 1 và Chứng chỉ chuyên ngành.

Mô hình đào tạo giáo viên phổ thông tại các trường đại học giáo dục ở Nhật là mô hình song song với 4 năm học gồm: Giáo dục chung, chuyên môn, sư phạm, thực tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp và chương trình chứng nhận giáo viên. Có nhiều chương trình để cấp chứng chỉ cho giáo viên dạy nghề, tập trung chủ yếu vào phương pháp giáo dục, thực hành chuyên môn, giảng dạy chuyên môn nghề nghiệp…

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm