Năm 2009 nối liền chủ đề của 2 năm học là “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục” - “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Những sự kiện giáo dục nổi bật của năm 2009 mà chúng tôi chủ trương lựa chọn xoay quanh việc thực hiện hai chủ đề này, cũng là nhằm đạt đến mục tiêu cao nhất mà toàn ngành liên tục phấn đấu để thực hiện, đó là nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.
1-BỘ CHÍNH TRỊ ĐỀ RA ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GD:
Đảm bảo phát triển GD bền vững trong hội nhập
Ngày 15-4, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW2 (khoá VIII) và phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020, chỉ đạo ngành GD sớm khắc phục những tồn tại bấy lâu trong ngành, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển GD đến năm 2020 bao gồm: Nâng cao chất lượng GD toàn diện, coi trọng GD nhân cách đạo đức lối sống cho HS-SV; Phát triển quy mô hợp lý cả GD đại trà và mũi nhọn, xây dựng xã hội học tập; Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước với GD-ĐT, đổi mới căn bản chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế; Sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ và nâng cao chất lượng đào tạo; Đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo sư phạm và bồi dưỡng CBQLGD để nâng cao chất lượng đội ngũ GV và CBQLGD; Rà soát lại toàn bộ CT-SGK phổ thông; Đổi mới, hiện đại hoá chương trình GD đại học và GD nghề; Tăng đầu tư nhà nước cho GD-ĐT, ưu tiên các chuơng trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng bình quân dàn trải, đẩy mạnh xã hội hoá GD; Đảm bảo công bằng xã hội trong GD; Đảm bảo phát triển GD bền vững trong hội nhập.
Cũng trong Kết luận này, Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020 và hoàn chỉnh Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đây là những định hướng chỉ đạo rất quan trọng để GD - ĐT Việt Nam có thể hội nhập quốc tế vào năm 2020 khi đất nước ta cơ bản là nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
2-QH THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ CHỦ TRƯƠNG, ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI MỘT SỐ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG GD&ĐT:
Một đề án mang tính nhân văn, minh bạch, công bằng và hiệu quả
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tháng 5-2009, Chính phủ đã hoàn chỉnh Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 trình Quốc hội xem xét. Mục tiêu tổng quát của Đề án quan trọng này là: 1- Xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. 2- Xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao. Đây là một đề án được đánh giá là có tính minh bạch, nhân văn, công bằng và hiệu quả.
Ngày 19-6-2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục. Ngày 3-12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Nghị quyết trên. Như vậy, một số chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục sẽ được thực hiện đúng lộ trình, bắt đầu từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
3-QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC:
Nhiều điểm mới liên quan đến chất lượng giáo dục đã được chính thức đưa vào Luật
Ngày 8-10-2009, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục và tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII, ngày 25-11-2009, Quốc hội đã thông qua Dự án này với số phiếu đồng thuận cao. Theo đó, có nhiều điểm mới về chuơng trình GD, phổ cập GD, SGK và giáo trình, thời gian đào tạo tiến sĩ, công khai tiêu chuẩn chất lượng GD, kiểm định chất lượng GD…đã được chính thức đưa vào luật.
4-SƠ KẾT MỘT NĂM TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” VÀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG “HAI KHÔNG”:
Môi trường giáo dục một lần nữa được cải thiện đáng kể cả về điều kiện vật chất và tinh thần.
Sự kiện quan trọng này được tổ chức trọng thể vào ngày 22-8-2009 tại 1 trong 5 di tích lịch sử văn hoá mà Bộ GD-ĐT hỗ trợ tôn tạo bảo vệ, đó là Đền thờ nhà giáo Chu Văn An (trong quần thể di tích núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh, Hải Dương) với sự tham dự của đại diện 5 Bộ ngành phối hợp: Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội LHPN Việt Nam, Hội khuyến học VN và những đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào có ý nghĩa này. Phong trào được sự đồng thuận hưởng ứng của toàn ngành và toàn xã hội, vì vậy đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về quang cảnh trường lớp xanh sạch đẹp an toàn thân thiện, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc… Song hành cùng với phong trào xây dựng THTT, HSTC là việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Hai không” và các cuộc vận động khác. Các cuộc vận động này đã đóng góp hiệu quả vào việc làm trong sạch môi trường GD và nâng cao chất lượng GD. Bước vào năm học thứ hai triển khai, 5 nội dung hoạt động của phong trào thi đua xây dựng THTT, HSTC đã được nâng lên một mức cao hơn về chất lượng, đặc biệt là việc tổ chức Lễ trưởng thành cho HS ra trường và Lễ khai giảng với cả phần lễ và phần hội đã là những nét mới trong hoạt động giáo dục của nhà trường.
Cũng với mục tiêu xây dựng nhà trường an toàn thân thiện, trong năm 2009, toàn ngành đã tích cực phòng chống, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại và tác động tiêu cực của thiên tai, tai nạn thương tích, dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1.
|
Thí nghiệm bằng giáo cụ trực quan giúp HS hiểu rõ hơn về bài học |
5-THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG LẦN ĐẦU TIÊN DỰ HỘI NGHỊ GD ĐẠI HỌC VÀ CÓ NHỮNG CHỈ ĐẠO ĐỘT PHÁ:
Phải đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về GDĐH để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực
Xung quanh hội nghị này, vấn đề chất lượng GD đại học Việt Nam được “xới” lên một cách mạnh mẽ cả trong và ngoài ngành, cả trong nước và ngoài nước. Thực trạng và các nguyên nhân đã được chỉ ra, 4 nhóm giải pháp cũng đã được thực hiện từng bước, mà tựu trung vẫn là do sự yếu kém trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT cũng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp đổi mới quản lý trong GD ĐH. Ví dụ khởi động chương trình đào tạo 2 vạn tiến sĩ, thực hiện 3 công khai, đổi mới trong công tác tuyển sinh, đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường tự chủ tự chịu trách nhiệm của nhà trường, hình thành thư viện giáo trình điện tử, tổ chức các hội thảo về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bộ cũng sẽ xây dựng quy chế qui định rõ trách nhiệm của cấp Bộ (Bộ GD-ĐT và các Bộ ngành liên quan), UBND tỉnh, thành phố có trường ĐH, CĐ và bản thân các trường ĐH, CĐ.
6-TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY, HỌC VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ.
Việc dạy và học đã được tạo động lực mới do tư duy đánh giá thay đổi
Nhiều hội thảo về đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá đã được tổ chức do Bộ trưởng và Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Khái niệm “Đổi mới” đã được tiếp cận toàn diện hơn, đầy đủ hơn trong tất cả các khâu của quá trình dạy học, không chỉ đối với giáo viên, tổ bộ môn mà còn là định hướng chỉ đạo từ các cấp quản lý (Bộ, Sở, Phòng, Trường). Điều quan trọng nhất là một tư duy mới được thiết lập: Đổi mới đánh giá sẽ tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học. Rõ nét nhất là ở cấp tiểu học đã có quy định đổi mới đánh giá, chủ yếu bằng nhận xét quá trình (định tính) thay vì đánh giá định lượng như trước đây. Nhiều dự án giáo dục cũng tập trung cho vấn đề này bằng những thành phần cụ thể tập trung vào nâng cao năng lực cho giáo viên. Cũng theo xu thế này, các trường sư phạm đã vào cuộc một cách tích cực hơn cùng với việc đổi mới ở trường phổ thông, tiến tới sẽ phải đi trước một bước trong đổi mới giáo dục.
Trong đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá cũng như đổi mới quản lý GD, công nghệ thông tin đã tiếp tục phát huy tác dụng. Chủ đề của năm học 2008-2009 tiếp tục được đẩy mạnh trong năm học 2009-2010 cả về bề rộng và chiều sâu, không chỉ là cơ sở hạ tầng mà đã tiến đến những ứng dụng phần mềm rất hiệu quả.
7- ĐÁNH GIÁ 3 NĂM THỰC HIỆN CT-SGK THPT, RÀ SOÁT CT-SGK Ở CÁC CẤP HỌC KHÁC, CHUẨN BỊ CHO NHỮNG ĐỔI MỚI VÀO NĂM 2015.
Một góc nhìn toàn cảnh về đổi mới GD với CT-SGK trong suốt một vòng thay sách ở 12 khối lớp.
Lần đầu tiên, CT-SGK phổ thông được đánh giá một cách tổng thể, trước hết là đối với cấp THPT. Việc đánh giá này một lần nữa tiến hành chỉnh sửa các hạn chế trong SGK THPT và các cấp học khác, tiếp tục rà soát và điều chỉnh chương trình khung tạo điều kiện để các nhà trường và địa phương chủ động trong việc thực hiện chương trình và kế hoạch năm học. Các công tác phục vụ cho đổi mới CT-SGK cũng được nhìn nhận lại (thiết bị dạy học, bồi dưỡng GV, điều kiện tài chính và thực hiện chế độ chính sách, đổi mới phương pháp dạy - học và đánh giá, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện...).
Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ cũng đã định hướng chỉ đạo thực hiện CT-SGK giai đoạn 2010-2015, theo đó, Bộ sẽ có hướng dẫn thực hiện chương trình GD theo nhóm trình độ kiến thức, đặc điểm vùng miền dân tộc; xác định hệ số đánh giá các môn học nâng cao; xác định hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và thi tuyển...Cuối cùng, tại văn bản trình Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nêu rõ: Khẩn trương triển khai các nghiên cứu để xây dựng một CT GD phổ thông mới.
8- CHẤT LƯỢNG GD VÙNG DÂN TỘC ĐƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM:
Nâng cao chất lượng GD vùng đồng bào dân tộc là tiếp tục thể hiện sự ưu việt của chế độ ta trong chính sách GD.
Sau Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, lần đầu tiên, hội nghị các trường dân tộc có bán trú được tổ chức và sau đó là đề xuất đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường PTDTNT giai đoạn 2009-2015. Bên cạnh đó, một số chế độ chính sách đối với các trường phổ thông dân tộc có bán trú cũng đã được thực hiện. Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú đã được dự thảo. Phạm vi đề án sẽ bao gồm 24 tỉnh với 1657 trường có HS nội trú tiểu học và THCS, thực hiện trong 6 năm (2010-2015), chia hai giai đoạn.
Mục tiêu của Đề án đặt ra là Xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ sinh hoạt cho HS, đảm bảo cho các em được ở nơi an toàn, tiện lợi với đủ trang thiết bị cần thiết cho tổ chức đời sống cũng như các hoạt động GD khác; Xây dựng hệ thống chính sách đối với trường cũng như với CB-GV và HS trường PTDT bán trú.
Bước vào năm học mới, chương trình "3 đủ" được quán triệt để không một HS nào, trước hết là học sinh các vùng miền núi khó khăn, phải bỏ học vì không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ sách vở. Chính vì vậy, kết thúc học kỳ 1, tỉ lệ bỏ học ở các cấp học đều giảm đáng kể.
|
Năm 2009 là năm có nhiều chuyển biến tích cực đối với GD Việt Nam |
9- GD MẦM NON CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN VỚI NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI:
GD tiền học đường tốt là nền tảng của một nền GD tốt.
Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, GD mầm non mới chính thức nằm trong hệ thống GD quốc dân. Điều đó thể hiện tư duy khác biệt của chúng ta về GD tiền học đường. Nhà nước đặc biệt quan tâm đến bậc học nền tảng này và năm 2009 được coi là năm có nhiều "sự kiện mầm non", ví dụ việc Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đã được đưa vào Luật, việc thực hiện Chương trình GD mầm non mới được đẩy mạnh để tiếp cận với GD phổ thông đổi mới, dự thảo Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được xây dựng và lấy ý kiến của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội để tiến tới "đích" kết thúc bậc học tiền học đường, chuẩn bị tâm thế và năng lực cũng như sức khoẻ tốt nhất cho các em bước vào GD phổ thông.
10-BAN HÀNH CHUẨN GV VÀ CHUẨN HIỆU TRƯỞNG CÁC CẤP HỌC:
Không chỉ là một "thước đo" chuẩn để tự đánh giá và đánh giá mà đây còn là định hướng phấn đấu và rèn luyện mình cho mỗi GV và Hiệu trưởng.
Chuẩn GV và hiệu trưởng mầm non và tiểu học đã được ban hành từ trước, tuy nhiên chuẩn GV và hiệu trưởng trung học năm nay mới ban hành được coi là bộ chuẩn "chuẩn" nhất vì có nhiều căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn, tiếp cận với các tiêu chí chuẩn quốc tế. Cũng căn cứ vào chuẩn này, cùng với các hội thảo khác về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ, việc đào tạo và bồi dưỡng GV cũng sẽ có cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hơn, phù hợp hơn với từng điều kiện, từng con người cụ thể.
11-PHÓ THỦ TƯỚNG BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THIỆN NHÂN ĐỐI THOẠI TRỰC TUYẾN ĐẦU NĂM HỌC MỚI 2009-2010:
Một hoạt động thể hiện tinh thần thật sự công khai, dân chủ và thân thiện.
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân Đối thoại trực tuyến chiều ngày 31/8/2009 |
2500 câu hỏi đã được đặt ra với người đứng đầu ngành GD chỉ mới 3 năm "xung trận" nhưng đã tạo ra được nhiều dấu ấn mạnh. Và đây cũng là một trong những ấn tượng về ông, đồng thời thể hiện sự kỳ vọng của người dân vào Phó Thủ tướng, Bộ trưởng vì một nền GD Việt Nam chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá. Hồi đáp của ông không chỉ là một câu chuyện thân tình, cởi mở mà còn là tiếng nói của người đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT, với những chính sách cụ thể liên quan đến quyền lợi GD của mọi người dân, góp phần giải toả những nỗi bức xúc, lo toan chính đáng của người dân đang muốn cùng với Đảng và Nhà nước tập trung cho quốc sách, gia sách hàng đầu.
12- TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG GD CÁC NƯỚC Á-ÂU (ASEMME 2) VÀ HỘI NGHỊ HỘI ĐỒNG GIÁO GIỚI ASEAN (ACT).
Sức mạnh hợp tác quốc tế trong GD được nâng lên một tầm cao mới, thể hiện vai trò mới của đội ngũ những người làm GD trong khu vực.
Việt Nam đăng cai tổ chức cả hai hội nghị quốc tế quan trọng này và đã được các quốc gia tham dự đánh giá cao. Chủ đề chung của các hội nghị này là nhằm thảo luận cùng nhau ứng phó với suy thoái toàn cầu nhằm phát triển GD bền vững, đáp ứng nhu cầu nhân lực của khu vực và thế giới trong tương lai. Một lần nữa, các giải pháp cho chất lượng GD lại được đề cập dưới nhiều góc cạnh khác nhau, trong những điều kiện khác nhau để các quốc gia cùng nhau trao đổi, tìm ra con đường đi riêng của mình nhằm đạt đến mục tiêu chung.
Theo GD&TĐ Online