Cập nhật: 11/01/2010 22:37:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công tác thi và tuyển sinh năm 2010 sẽ được thực hiện như thế nào, những điểm mới, những điều cần sửa đổi để hướng tới các kỳ thi 2010 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả là vấn đề trọng tâm được bàn đến trong Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, sự tham gia của lãnh Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các đơn vị cơ quan Bộ cùng 1198 đại biểu tham dự tại 6 điểm cầu trên cả nước.

 

Thi tốt nghiệp THPT: Bỏ hay không bỏ ngoại ngữ với tư cách môn thi bắt buộc?

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, dự kiến sẽ có 6 điều chỉnh trong các kỳ thi phổ thông năm 2010.

Thứ nhất là quy định về môn thi, trong đó đáng chú ý nhất là ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc. Những thí sinh học ngoại ngữ không đủ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và thí sinh tại các vùng khó khăn về điều kiện dạy học có thể được thi môn thay thế cho môn ngoại ngữ. Cấu trúc đề thi và quy định cho thí sinh dự kiến điều chỉnh theo hướng, đối với các môn thi mà đề thi có phần bắt buộc và phần tự chọn, thí sinh chỉ được chọn một phần tự chọn thích hợp để làm bài; nếu làm cả hai phần tự chọn thì bài làm cả 2 phần đều không được chấm.

 

Thứ hai, bên cạnh tiếp tục tổ chức thi theo cụm trường, Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện hoặc các tỉnh miền núi, đông học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn tự chọn phương án tổ chức thi. Bỏ quy định về Ban công tác cụm trường; Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đã quy định cho Ban công tác cụm trường trước đây.

 

Thứ 3, việc tổ chức chấm chéo điều chỉnh theo hướng, Sở GD&ĐT có bài thi cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình. Nếu thấy việc chấm thi có xu hướng không đúng đáp án, biểu điểm thì đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi chỉ đạo hoặc báo cáo GĐ Sở GD&ĐT tỉnh mình xin ý kiến chỉ đạo. Quy định về việc làm phách cũng được điều chỉnh theo hướng giao các đơn vị chủ động lựa chọn phương án thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo mật, an toàn.

 

Rút ngắn thời hạn nộp đơn xin phúc khảo của thí sinh để đẩy nhanh tiến độ phúc khảo bài thi. Điều chỉnh điều kiện phúc khảo, hạ mức chênh giữa điểm bài thi và điểm tổng kết năm học lớp 12 của môn thi từ thấp hơn 2,0 điểm xuống còn thấp hơn 1,0 điểm. Hạ mức chuẩn chênh lệch để điều chỉnh điểm sau phúc khảo, cụ thể, điểm của bài thi các môn thi được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 0,5 điểm trở lên (riêng bài thi Ngữ văn là 1 điểm).

 

Giảm số lượng thành viên các đoàn thanh tra, mỗi đoàn chỉ khoảng từ 5-10 người gồm cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và thanh tra của Sở GD&ĐT.

 

Cuối cùng là rà soát, bổ sung để hoàn thiện phần mềm quản lý thi.

 

Trong 6 điều chỉnh mà Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận báo cáo tại Hội nghị, 2 nội dung các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất đó là việc bỏ môn thi ngoại ngữ với tư cách là một môn bắt buộc và sở GD&ĐT có bài thi cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình.

 

Tại đầu cầu Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hoa, GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng khẳng định, không nên bỏ môn ngoại ngữ với tư cách là một môn bắt buộc. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM (đầu cầu TP.HCM) thì cho rằng, cần làm rõ cơ sở lý luận nào để bỏ bắt buộc thi ngoại ngữ. Theo bà Hà, điều kiện các thí sinh có thể được thi môn thay thế cho môn ngoại ngữ vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Thêm nữa, việc sở GD&ĐT có bài thi cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận là không giải quyết được và gây khó khăn cho Hội đồng vì giám đốc một sở GD&ĐT khác không thể chỉ đạo được Hội đồng chấm thi. Đây là cũng là ý kiến của bà Phạm Thị Thu Hà, PGĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp (đầu cầu Cần Thơ). Phân tích cho quan điểm của mình, bà Hà cho rằng, nếu không xác định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc sẽ không tạo được động lực học tập cho học sinh để từ đó cải thiện chất lượng học ngoại ngữ. Bà Hà đề nghị thêm, nên tổ chức chấm thi theo khu vực, 3-4 tỉnh tổ chức thành một hội đồng chấm thi…

 

Ngoài 2 vấn đề trên, một số vấn đề khác được các đại biểu kiến nghị là: Tạo điều kiện thời gian chấm thi tốt nghiệp dài hơn nữa, lùi thời điểm thi tốt nghiệp ĐH, CĐ lại 1 tuần lễ; khôi phục lại việc tuyển thẳng đại học với các học sinh đoạt giải quốc gia; cần xác định lại công việc đoàn thanh tra nếu giảm số lượng thành viên đoàn thanh tra; mở rộng thi trắc nghiệm; nên có quy định chung cho mẫu phiếu trả lời khách quan…

 

Về việc bỏ hay không bỏ ngoại ngữ với tư cách là môn thi bắt buộc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, điều kiện dạy và học môn ngoại ngữ khó khăn hơn các môn học khác, trong khi chất lượng dạy và học ngoại ngữ chưa đảm bảo mà bắt buộc phải thi sẽ dẫn đến tình trạng gượng ép, chống đối. Thứ trưởng cho rằng, có thể những nơi nào không dạy ngoại ngữ đủ chương trình sẽ được lựa chọn môn thay thế ngoại ngữ.

 

Việc sở GD&ĐT có bài thi cử 1 giáo viên của mỗi môn thi tham gia thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm và chấm chung ít nhất 15 bài thi tại các tổ chấm thi của Hội đồng chấm thi ở nơi chấm bài thi cho đơn vị mình, Thứ trưởng cho rằng, chỉ là cử giáo viên đến giám sát, giáo viên không can thiệp vào hội đồng nhưng sẽ giúp địa phương nắm tình hình khách quan hơn để có điều chỉnh kịp thời.

 

Về chấm thi theo cụm, thứ trưởng khẳng định là rất tốt nhưng sẽ gặp khó khăn về tổ chức nên trong thời điểm hiện nay chưa làm được việc đó.

 

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng nên tuyển thẳng vào đại học những học sinh đoạt giải Quốc gia, Thứ trưởng Hiển khẳng định, không cần thiết phải sửa đổi. Thứ trưởng cho rằng, khi áp dụng tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia, một số địa phương có quan điểm không đúng về mục tiêu đào tạo trường chuyên, dẫn đến học sinh không phát triển toàn diện… Thứ trưởng cũng cho biết, dự kiến sẽ bỏ việc quy định không được mời thầy cô tỉnh khác đến bồi dưỡng học sinh giỏi…

 

Thi ĐH, CĐ: Nộp hay không được nộp hồ sơ ĐKXT tuyển tại trường?

 

Việc nộp hay không nộp hồ sơ, lệ phí đăng ký xét tuyển tại trường, lệ phí thi có tăng, nên kéo dài thời gian xét tuyển … đó là 3 vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010.

 

 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: N.N

 

Theo Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận, về cơ bản công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung, tuy nhiên dự kiến sẽ có một số điểm mới. Cụ thể: đối tượng tuyển sinh (có thêm học sinh tốt nghiệp TCCN); quy định về số thí sinh, giám thị trong 1 phòng thi  (phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh và phải có 2 cán bộ coi thi; phòng thi lớn không quá 60 thí sinh và phải có 3 giám thị coi thi); có thể nộp hồ sơ và lệ phí xét tuyển trực tiếp tại trường; các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công bố công khai học phí, học phí chỉ tỉnh theo tiền đồng Việt Nam.

 

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc điều chỉnh quy định nộp hồ sơ, cho thí sinh được nộp hồ sơ, lệ phí đăng ký xét tuyển tại trường, cho phép thí sinh được thay đổi, chọn lại ngành đăng ký dự thi khi đến làm thủ tục dự thi. Các đại biểu băn khoăn với điều chỉnh này cho rằng, việc cho thí sinh trực tiếp nộp hồ tại trường có thể sẽ tạo ra những tiêu cực.

 

Lệ phí tuyển sinh cũng là vấn đề băn khoăn của rất nhiều đại biểu là lãnh đạo các trường ĐH, CĐ. Tại đầu cầu Vinh, ông Nguyễn Ngọc Hợi, hiệu trưởng ĐH Vinh bày tỏ: nhiều năm rồi lệ phí tuyển sinh không thay đổi, các trường liên tiếp phải bù lỗ, như ĐH Vinh năm vừa rồi phải bù lỗ 250 trong công tác coi thi và 350 triệu cho chấm thi. Ông Hợi đề nghị cần điều chỉnh lại lệ phí để giảm gánh nặng cho các nhà trường. Cùng với vấn đề lệ phí, ông Hợi cũng đề nghị thi chung khối A và khối B vào cùng 1 đợt để giảm lượng thí sinh ảo (lượng thí sinh ảo các ngành khối B luôn rất cao); rút ngắn thời gian xét tuyển NV2 để sinh viên có thể nhập học sớm hơn…

 

Cũng đề cập đến thời gian xét tuyển, đại diện Trường ĐH Lao động & Xã hội (đầu cầu Hà Nội) nhận xét: thời gian xét tuyển NV3 chỉ đến 30/9, sau thời gian này, nhiều thí sinh dù điểm cao không đăng ký cũng không được nhập học. Điều này sẽ khiến thí sinh bị thiệt thòi. Đề nghị Bộ GD&ĐT giao quyền chủ động cho các trường và kéo dài thêm thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

 

Ông Đỗ Văn Xê, PGĐ ĐH Cần Thơ (đầu cầu Cần Thơ): Các khâu, công đoạn thi, tổ chức thi, xét tuyển vào đại học, cao đẳng kéo dài, sinh viên nhập học trễ so với sinh viên cũ sẽ ảnh hưởng đến việc giảng dạy và đảm bảo chương trình học và yêu cầu Bộ nghiên cứu rút ngắn thời gian này lại.

 

Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Bùi Văn Ga (đầu cầu Đà Nẵng) đề nghị dịch kỳ thi tuyển sinh cao đẳng vào giữa 2 kỳ thi đại học để tiết kiệm thời gia và chi phí cho thí sinh.

 

Phó hiệu trưởng ĐH Hồng Đức, ông Lê Văn Trưởng (đầu cầu Vinh) thì băn khoăn về quy định số lượng thí sinh và giám thị trong 1 phòng thi và cho rằng, nếu có 3 giám thị trong cùng 1 phòng thi lớn cần quy định rõ nhiệm vụ của mỗi giám thị…

 

Trả lời các đại biểu về vấn đề lệ phí, Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện văn bản để báo cáo Bộ Tài chính theo quy định. Về vấn đề nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, Thứ trưởng cho rằng, nên lấy nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh để giải quyết, không nên quy định cứng nhắc chỉ được nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Còn những tiêu cực có thể phát sinh, Bộ sẽ có quy định cụ thể trong việc tiếp nhận hồ sơ…Cuối cùng, thứ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, những tranh luận, phản biện tại Hội nghị, Bộ sẽ tiếp thu và đưa ra bàn bạc, thảo luận để hoàn thiện quy chế thi 2010.

 

Những vấn đề lớn, được các đại biểu quan tâm trong các kỳ thi năm 2010 đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trong kết luận Hội nghị.

 

Về việc tại sao thi tốt nghiệp THPT lần này cho phép chọn phần nội dung phân ban hay không phân ban, Phó thủ tướng cho rằng, chọn phân ban là tạo điều kiện cho các em phát triển năng khiếu, hướng để vào đại học, nhưng điều đó không bắt buộc với mọi học sinh. Nền chuẩn vẫn là chương trình cơ bản. Chính vì vậy, học sinh học phân ban có quyền chọn cơ bản hoặc phân ban. Như thế mới tạo công bằng chung, để người học nhiều không bị thiệt.

 

Về ngoại ngữ, Phó thủ tướng khẳng định, ai cũng biết ngoại ngữ là quan trọng. Có điều tốt nghiệp phổ thông có điểm sàn, ĐH cũng có điểm sàn, mọi người phải đạt sàn mới tốt nghiệp được. Nhưng nếu điều kiện dạy không đạt sàn mà bắt đạt sàn thì cũng chưa hợp lý, nhất là vùng khó khăn, thầy cô giáo không đủ, cơ sở vật chất không đủ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, qua các góp ý sẽ bàn lại theo hướng vẫn bắt buộc nhưng diện được chọn có thể hướng dẫn rộng hơn để không gây thiệt thòi cho các em.

 

Về tổ chức chấm, tại địa phương chúng ta tổ chức thi cụm, về cơ bản thống nhất tạo công bằng nghiêm túc, nơi nào đi lại xa quá xa, cho quyền tự quyết. Nhưng chấm như thế nào. Năm ngoái chấm chéo, nay có đề xuất chấm theo cụm, việc này sẽ bàn thêm, mục đích là công bằng, chính xác và đỡ vất vả.

 

Về vấn đề lệ phí, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với Bộ Tài Chính, nếu 2 Bộ không nhất trí được thì Chính phủ sẽ quyết, tinh thần là sẽ cố gắng giảm lượng thí sinh áo và chia sẽ khó khăn với nhà trường.

 

Vấn đề mở rộng thi trắc nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng, thi trắc nghiệm cũng có tiêu cực của thi trắc nghiệm nên chưa mở rộng. Mặt khác, một số nội dung của dạy học không thể làm trắc nghiệm mà cần khả năng diễn đạt. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ sơ kết để thấy được toàn diện hơn những ưu, khuyết của hình thức thi này. ...

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm